Thiếu nhà trẻ, công nhân ngại có con

“Nếu như trước đây, nỗi lo thiếu nơi gửi trẻ diễn ra ở các xã, bây giờ vấn đề bức xúc, trăn trở về nhà trẻ lại diễn ra ở các KCX-KCN. Đã đến lúc chúng ta phải có chương trình xây nhà trẻ cho con công nhân như xây ký túc xá cho sinh viên. Nếu không sẽ để lại một viễn cảnh về “hậu công nghiệp” trong tương lai gần cho công nhân như: đến tuổi không dám lập gia đình, lập gia đình không dám có con, con sinh ra không được bú mẹ đầy đủ… Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết căn cơ chứ không thể vận động, vận động… mãi nữa”. Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam, tại hội thảo “Vai trò của công đoàn trong chăm lo cho con công nhân lao động lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo”, tổ chức tại TP.HCM, ngày 4-4.

Không có đất như quy định để xây nhà trẻ…

Ông Tôn Long Quốc Vinh, đại diện Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi), cho biết: Công ty hiện có 9.700 công nhân, thống kê sơ bộ 3.000 lao động có con dưới sáu tuổi đều có nhu cầu gửi con. Nắm bắt nhu cầu của công nhân, năm 2010 công ty dành 1.000 m2 đất xây nhà trẻ phục vụ công nhân. Tuy nhiên, hiện công ty gặp khó khăn do không hiểu rõ thủ tục ban đầu (quy định 5.000 m2 mới được thành lập trường) nên chỉ được cấp phép thành nhóm lớp, giới hạn nhận giữ 60-80 trẻ, trong khi năng lực có thể nhận nhiều hơn nhưng không được nhận thêm. “Số còn lại công nhân phải gửi con ở đâu? Công ty cũng không thể lấy đâu ra 5.000 m2 để xây trường. Hoạt động không hết công suất không lẽ chúng tôi phải đóng nhóm trẻ? Ngành giáo dục cần có tính toán hỗ trợ công ty nhận thêm con em công nhân”.

 

Các gia đình công nhân thường gửi con ở những nhóm trẻ gia đình để khi tăng ca con họ vẫn còn người giữ. Ảnh: P.ĐIỀN

Còn ông Huỳnh Lê Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty Nissei (100% vốn Nhật Bản), giãi bày: Công ty hiện có 4.000 công nhân làm ba ca, trong đó 85% là nữ. Hiện có 2.300 nữ công nhân đang ở trong nhà lưu trú do công ty xây. Lúc đầu chúng tôi cũng không chú ý lắm đến vấn đề nhà trẻ nhưng qua khảo sát 300 người thì có 50% có nhu cầu gửi con. Điều này đặt chúng tôi vào thế không biết lấy đất ở đâu ra? Không biết lương giáo viên do ai trả? Hay cơ chế 50/50 (công ty trả 50%, Nhà nước trả 50%). “Tôi cho rằng cơ chế phối hợp phải rõ ràng, nếu doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì Nhà nước lo phần giáo viên và lương thì công ty sẽ quyết tâm làm” - ông Khanh kiến nghị.

Cần có cơ chế hỗ trợ cho trường ngoài công lập

Chia sẻ những băn khoăn, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: Hiện nay hệ thống trường lớp mầm non đã khang trang hơn nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Gửi vào trường công lập chi phí thấp vì được hỗ trợ 3-4 triệu đồng cháu/năm, còn trường nhóm trẻ gia đình ngoài công lập thì chi phí cao hơn rất nhiều. Vậy việc hỗ trợ như vậy có đảm bảo công bằng hay không? Số trẻ ngoài công lập sẽ như thế nào?

Theo đó, bà Minh kiến nghị cần tính toán để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự đứng ra xây nhà trẻ hoặc các trường ngoài công lập, bằng cách dựa trên số lượng trẻ đang gửi để đảm bảo công bằng. Ngành giáo dục cũng phải đổi mới, sắp xếp thời gian giữ trẻ phù hợp với thời gian làm việc của công nhân.

PHONG ĐIỀN

 

Công ty chiếm 80% là nữ, đa phần chị em ai cũng có nhu cầu gửi con. Tuy nhiên, do thu nhập thấp, phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình nên lúc nào cũng lo lắng. Nhiều chỗ gửi con quá nắng nóng, chiều đón con về mặt mày nhợt nhạt nhìn mà xót lòng. Dịp này tôi mong các cấp, ngành xem xét có cách nào hỗ trợ công nhân tăng thêm thời gian giữ trẻ mà không tốn nhiều tiền.

Chị TRẦN THỊ HOA, công nhân Công ty May Minh Hoàng

Tổng thu nhập của vợ chồng tôi 8 triệu đồng/tháng, trong đó 1,5 triệu đồng chi phí cho con đi gửi trẻ, 3 triệu đồng dành cho các chi phí sinh hoạt trong tháng, còn lại một ít để hỗ trợ thêm gia đình. Do không có hộ khẩu nên phải gửi con vào trường ngoài công lập. Tôi kiến nghị các cấp, ngành xem xét cho các gia đình công nhân gửi con vào trường công lập để giảm chi phí, bớt lo lắng.

Chị ĐẬU THỊ ĐỨC, công nhân thêu thuộc Công ty LS Vina

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm