Chị NTN.,công nhân thuộc công ty này, bức xúc: Toàn bộ công nhân các chuyền sản xuất đã nghỉ việc để đòi lương và chế độ BHXH từ buổi trưa. Nguyên nhân là do công ty không trả lương và các khoản phụ cấp của tháng 3 (thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng). Cá biệt, công ty đã trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH nhưng họ không đóng cho cơ quan BHXH nên khi người lao động nghỉ việc, khám chữa bệnh không được giải quyết các chế độ. “Công ty thông báo công ty chưa đóng BHXH cho người lao động 3 tháng trước tết. Người nào đi khám chữa bệnh, công ty sẽ căn cứ trên hóa đơn viện phí để thanh toán cho từng người”, chị N., nói.
Theo chị N., để đối thoại, công nhân yêu cầu giám đốc công ty xuất hiện đưa ra lời cam kết giải quyết quyền lợi cho người lao động, nhưng có thông tin cho hay ông này đã “bỏ trốn”. Thay vào đó, quản đốc nhà máy (người Hàn Quốc) thông báo, thứ 2 tuần sau (ngày 14-4) công ty sẽ tạm ứng trước tiền gia công của đối tác để trả lương cho công nhân, nhưng trả bao nhiêu thì họ không nói cụ thể.
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, đại diện Liên Đoàn Lao Động quận 12, liệt kê: Công ty này đang nợ 2,4 tỷ đồng tiền lương của người lao động; 2,8 tỷ đồng tiền BHXH, hơn 1 tỷ đồng tiền thuê nhà xưởng, máy móc; nợ lương của bảo vệ, thuê thiết bị máy móc… Nhà máy bị niêm phong.
“Chúng tôi lo ông Lee Sang Soo, giám đốc công ty không biết có quay lại giải quyết quyền lợi cho người lao động hay không, vì tình trạng giám đốc “bỏ trốn” đã từng xảy ra trên địa bàn quận, khiến người lao động bị thiệt thòi”, đại diện LĐLĐ quận 12, nói.
PHONG ĐIỀN