Ngày 27-2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn xin gia nhập Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ sẽ được nối lại vào 9-3 tới, hãng Reuters đưa tin.
Trước đó vào tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ đã huỷ đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan sau khi cuộc biểu tình xảy ra ở thủ đô Stockholm nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, bao gồm việc đốt một bản sao kinh Koran, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Stockholm.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Costas Baltas/REUTERS |
“Cuộc họp thứ ba giữa [các đại diện] của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày 9-3” - ông Cavusoglu nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng cuộc gặp giữa ba nước sắp tới không phải là "cuộc đàm phán” mà là một cuộc họp “được tổ chức để phối hợp và để các bên thấy được… những việc đã làm được và những việc còn phải làm” cũng như để thấy được quá trình gia nhập NATO Thụy Điển và Phần Lan đang ở giai đoạn nào, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Ông cũng nhấn mạnh hai nước Bắc Âu "không phải là kẻ thù của Ankara nhưng họ có một số vấn đề cần phải giải quyết".
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã xác nhận về cuộc gặp sắp tới trên.
Vào tháng 5-2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Để được trở thành thành viên chính thức, hai quốc gia Bắc Âu này cần sự phê duyệt của toàn bộ 30 nước thành viên NATO. Hiện nay chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn các đơn gia nhập NATO trên.
Tuy nhiên, đơn gia nhập NATO của Thụy Điển đặc biệt vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nhiều lần cáo buộc Stockholm chứa chấp nhóm chiến binh người Kurd mà nước này xem là “phần tử khủng bố”.
Cũng trong cuộc họp báo trên, nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng nước này “chưa thấy các bước đi thỏa đáng từ Thụy Điển đối với lĩnh vực hoạt động chống khủng bố trong việc thực hiện bản ghi nhớ Madrid” mà ba nước Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hồi năm 2022.
Ông Cavusoglu cũng lưu rằng bất chấp việc Stockholm đã đưa ra một số sửa đổi đối với hiến pháp và luật chống khủng bố, các tổ chức này vẫn tiếp tục hoạt động ở Thụy Điển theo cách cũ mà không có bất kỳ thay đổi nào.
Do đó, ông Cavusoglu nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể đồng ý với đơn gia nhập NATO của Thụy Điển trước khi chúng tôi thấy các bước đi trên”.
Nhằm xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Thụy Điển có kế hoạch vào ngày 9-3 sẽ công bố một dự luật coi việc trở thành một phần hoặc ủng hộ một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp. Dự luật này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1-6 tới.