Theo RT, khoảng 3.000-3.500 người, trong đó có các nhóm lực lượng người Kurd, ngày 25-3 tham gia biểu tình tại thủ đô Bern, Thụy Sĩ. Những người biểu tình tuần hành trên khắp TP rồi sau đó tổ chức một cuộc biểu tình khác ngay trước tòa nhà Quốc hội liên bang. Họ hô to các khẩu hiệu chống Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Họ cũng bày tỏ sự phản đối những thay đổi trong dự thảo hiến pháp sắp được đem ra trưng cầu dân ý vào tháng tới. Sửa đổi hiến pháp sẽ gia tăng quyền lực cho ông Erdogan.
Cuộc biểu tình chống Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ở thủ đô Bern, Thụy Sĩ hôm 25-3. Ảnh: REUTERS
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cuộc biểu tình trên được tổ chức ngay trước tòa nhà Quốc hội Liên bang Thụy Sĩ và do các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) và đảng Mặt trận Cách mạng giải phóng nhân dân (DHKP-C) khởi xướng. Đây là những tổ chức mà Ankara xem là khủng bố.
Ngay sau cuộc biểu tình, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập ông Walter Haffner, Đại sứ Thụy Sĩ tại nước này, để phản đối. Ông Haffner được thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng giới chức Thụy Sĩ đưa những người khởi xướng cuộc biểu tình trên ra công lý và ngăn chặn những “sự cố” như vậy diễn ra trong tương lai.
“Chúng tôi phản đối cuộc biểu tình này, vốn nhằm thúc đẩy bạo lực và khủng bố nhưng lại được cho phép và chúng tôi yêu cầu Thụy Sĩ có hành động pháp lý ngay lập tức đối với cuộc biểu tình này” - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ viết trong thông cáo vào cuối ngày 25-3, theo Hurriyet Daily.
Trong khi đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại phản ứng đặc biệt với vụ biểu tình trên. “Thụy Sĩ đã đi một bước xa hơn. Các đảng cánh tả của họ và những kẻ khủng bố đã liên kết với nhau và tiến hành biểu tình. Trong tòa nhà Quốc hội Thụy Sĩ, họ treo bức ảnh của tôi với một cây súng trên đầu. Nhưng Quốc hội Thụy Sĩ vẫn im lặng” - Tổng thống Erdogan chỉ trích hôm 26-3.
Cuộc trưng cầu dân ý nhằm trao quyền nhiều hơn cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ giữa Ankara và một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan. Các nước này đã cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động bỏ phiếu trên lãnh thổ của mình.