Cách đây vài năm, khi ngôi làng nhỏ của ông đệ đơn lên cấp chính quyền đề nghị nâng cấp hệ thống đường truyền Internet với dung lượng cao hơn đến khu làng chỉ có 692 nhân khẩu, ông đã miễn cưỡng ký vào. Lý do là ông cùng với vợ đã rời bỏ thủ đô Paris cách nay 15 năm để về quê tìm sự tĩnh lặng cho cuộc sống hưu trí. Nói chính xác là để hai vợ chồng “ngắt kết nối”. Thế mà, ông không biết rằng đến một ngày nọ, chính “kết nối” đã cứu mạng ông.
“Tê liệt + nhanh chóng + đôi chân”
Đó là vào ngày 23-7 vừa qua. Ông Gilbert bị đau đầu gối, có thể là do co duỗi quá mạnh chăng? Có một mẩu chuyện truyền khẩu nói vui rằng: Khi bước qua tuổi lục tuần, nếu sáng thức dậy mà ông bạn không thấy tê chỗ này, mỏi chỗ nọ trên cơ thể, tức là ông bạn đã chết rồi!
Quá 60 tuổi mà cơ thể có vấn đề là chuyện bình thường của quá trình lão hóa, tuy nhiên vào buổi chiều tối, khi ông Gilbert tiễn ông bạn ra về đến trước bậc thềm nhà thì ông bỗng cảm thấy cơ thể mình rất khác: Phần hông của ông đau nhói và ông không thể bước đi bình thường được nữa mà phải khập khiễng như một cụ già đã quá yếu.
Ông Gilbert không nói cho ai nghe về triệu chứng này nhưng âm thầm lên mạng tìm kiếm thông tin. Từ ít lâu nay, ông có thói quen vào mạng khoảng tiếng rưỡi mỗi ngày. Thế là ông vào Google và đánh vào ba từ khóa: “Tê liệt + nhanh chóng + đôi chân”. Chính ba từ gọn ghẽ trên đã giúp cứu mạng ông.
Ông Gilbert đã vào được một bài viết ngắn trên trang web Doctissimo nói về hội chứng Guillain-Barré. Đây là một chứng bệnh về thần kinh diễn tiến nhanh chóng, có thể dẫn đến liệt người hoặc tử vong và có đến 7% trường hợp người bệnh phải chịu những cơn đau dữ dội; nhưng ông Gilbert quyết định không nói chuyện này cho vợ nghe vì vợ ông lâu nay vẫn luôn cho rằng chồng mình bị “bệnh tưởng” khi nghe ông than mệt mỏi này nọ. Vợ ông cũng có lý chứ không phải không.
Có nên chăng cần nhìn lại để đổi mới mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, khi mà lâu nay hễ bác sĩ “phán” là người bệnh phải “nghe”.
Triệu chứng tê liệt lan tỏa đến đôi bàn tay
Thôi thì cứ tắt máy vi tính và đi ngủ là xong chuyện. Nhưng buổi sáng hôm sau, triệu chứng đau và cảm giác khó chịu lại tiếp tục xuất hiện. Ông nghĩ đến vợ, biết đâu bà ấy nói đúng đó: Hay là mình đừng có tìm kiếm cái gì nữa trên mạng để mà phải tiếp tục hồi hộp lo sợ.
Tuy nhiên, vào buổi sáng hôm sau nữa, sau bữa điểm tâm, ông Gilbert định bước lên cầu thang để vào phòng làm việc thì ông “đổ sụp” hoàn toàn. Ông cảm thấy hai bàn tay tê cứng và các triệu chứng chính xác đúng y như mô tả về hội chứng Guillain-Barré trên trang mạng.
Vợ ông gọi điện thoại cho một bác sĩ đa khoa. Nhưng vị bác sĩ này hiện đang dày đặc lịch hẹn bệnh nhân nên không thể đến được. Tuy nhiên, bác sĩ cũng đã nhanh chóng ký một phiếu vận chuyển bệnh nhân cho một xe cứu thương.
Chỉ với ba từ khóa
Tại bệnh viện, ông được bác sĩ trưởng khoa thần kinh đón tiếp chu đáo. Nhưng vị bác sĩ đã khá ngạc nhiên và càng sửng sốt hơn khi nghe bệnh nhân Gilbert “tự chẩn đoán” bệnh của mình một cách trôi chảy! Dù bán tín bán nghi, BS Visy cũng cho chụp CT để bảo đảm rằng bệnh nhân không bị liệt do tai biến mạch máu não và sau đó là chọc ống sống để giúp khẳng định chẩn đoán mà bệnh nhân đưa ra về hội chứng Guillain-Barré là đúng. Ông Gilbert được điều trị ngay lập tức.
Nhờ được điều trị kịp thời, sau ba tuần tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, ông đã bắt đầu đi lại tốt hơn. Hiện nay, sau hơn ba tháng “gặp nạn”, ông đã phục hồi được hoàn toàn hệ vận động của mình, ngoại trừ hai bàn tay còn hơi yếu. Ông hóm hỉnh: “Chẳng sao, tôi đâu có làm việc lặt vặt gì trong nhà đâu!”. Ông vui mừng khi mình không bị liệt tứ chi, điều mà ông sợ nhất.
Những bệnh nhân “quá hiểu biết”
Ông Gilbert thổ lộ rằng một “bệnh nhân hay lo là một kho kiến thức” và rằng bệnh nhân không nên quá thụ động khi đến gặp bác sĩ, ông nói: “Thời gian gặp bác sĩ thường không nhiều nên bệnh nhân phải trình bày những vấn đề cụ thể nhất mà mình gặp, không nên nói lòng vòng”.
Trường hợp của ông Gilbert vừa nêu cũng đặt ra câu hỏi về quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân. Thực tế là hiện nay ngày càng có nhiều bệnh nhân “đầu óc đầy ắp kiến thức y khoa” và bác sĩ cần phải biết học cách “sống chung” với những bệnh nhân “quá am tường” này.
Tuy nhiên, đa số bác sĩ điều trị đều chấp nhận ứng xử như vị bác sĩ trưởng chuyên khoa thần kinh nói trên khi ông chỉ định hướng điều trị căn cứ theo lời “tự khai” mà bệnh nhân đưa ra vì bác sĩ lập luận rằng bệnh nhân có thể đã tự biết cách chẩn đoán đúng bệnh của mình. Cũng chính vì thế, ông Gilbert đã không phải chạy xuôi ngược hết phòng khám này đến phòng khám khác, không phải mất thời gian một cách vô ích và tốn kém. Nếu vậy thì đâu sẽ là vị trí và quyền hạn của bác sĩ điều trị nếu như có một bệnh nhân đến khám mà thông báo ngay cho bác sĩ là mình đang bị bệnh gì và có thể là trình ngay cho bác sĩ xem cả một toa thuốc tự viết ra về các loại dược phẩm mà mình cần uống?
Việc chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ luôn luôn là quan trọng và cần thiết. Song hiện nay, nhiều bệnh nhân đã rất thạo kiến thức y khoa, qua Internet hoặc qua bạn bè, người thân làm việc trong ngành y. Vậy có nên chăng, cần phải hoàn toàn “nhìn lại” để “đổi mới” mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân khi mà từ bao đời nay, chúng ta luôn sống trong bối cảnh: Hễ bác sĩ “phán” là người bệnh “phải vâng lời”. Bởi quan niệm từ cổ chí kim trong công chúng là: Bác sĩ là người “biết tất cả về bệnh của bệnh nhân”, còn bệnh nhân là người hoàn toàn “mù tịt về y khoa”. |