Thời COVID-19, có tiền tỉ nên đầu tư vào đâu?

Lạc quan nhưng thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là chia sẻ chung của nhiều chuyên gia trong buổi tọa đàm chủ đề “Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định” do Tạp chí đầu tư bất động sản (BĐS) CafeLand tổ chức ngày 25-8 tại TP.HCM.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam,  cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn xấu trong quý III và quý IV năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đến năm 2021 sẽ có hồi phục nhưng không có nghĩa là bình thường trở lại. Nhờ phản ứng chính sách khá tích cực ở hầu hết các nước trong thời gian qua và tốc độ tăng trưởng sẽ bù đắp lại một phần suy giảm của năm 2020.
Việt Nam cũng đã đưa ra những chính sách tài khóa để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Chính các chính sách này sẽ đảm bảo cho khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2021 khi đại dịch được kiểm soát.

 Số lượng các nhà đầu tư thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam vẫn gia tăng và chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Bất động sản chỉ có lên, không xuống
Theo ông Thành, số lượng các nhà đầu tư trong nước mua BĐS hay chứng khoán ngày càng tăng vì tầng lớp trung lưu cấp trên ở Việt Nam cũng đang gia tăng. Cho đến thời điểm hiện nay họ chưa bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Nhóm nhà đầu tư này có thể xuống tiền cũng có thể chưa, rất khó dự báo.
Tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn BĐS? Ông Thành cho rằng do họ có niềm tin giá BĐS không xuống, trừ một số dự án chung cư không được quản lý, bảo trì tốt. Trong khi đó, vàng lên xuống theo thời điểm.
“Tại sao tôi chấp nhận đầu tư BĐS dù lãi suất cho thuê khoảng chỉ 4,5%? Bởi tôi biết giá chỉ có lên. Một điểm nữa là lợi suất sinh lời của BĐS kỳ vọng luôn cao hơn với gửi ngân hàng” - ông Thành chia sẻ.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút các nhà đầu tư.

Phân tích ở hai góc độ tài chính cá nhân và doanh nghiệp, TS Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Văn Lang, cho biết về tài chính cá nhân, dịch COVID-19 là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình.
Dịch ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, chúng ta cần suy nghĩ xem quản trị tài chính của mình đã tốt hay chưa, sau đó mới quan tâm đến “tiền đẻ ra tiền”. Vấn đề là nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn.
“Hồi tháng 3 còn băn khoăn nhưng giờ chính phủ đang kiểm soát tốt, hệ thống y tế cũng phản ứng tốt, chính sách vi mô đến vĩ mô ổn định. Vì vậy, mỗi kênh đầu tư đều có dư địa của nó nên nhà đầu tư cá nhân chọn kênh nào để hợp khẩu vị của mình" - TS Hải nhìn nhận.

TS Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Văn Lang chia sẻ ý kiến tại buổi tọạ đàm

Bất động sản giá trị thật trụ vững
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng nguồn lực đầu tư tư nhân vẫn tăng trong năm nay, nhà đầu tư có niềm tin rằng dịch bệnh sẽ qua và thị trường sẽ hồi phục.
Còn đầu tư vào đâu sẽ tùy thuộc vào nguồn lực và ngân sách của nhà đầu tư. Với chứng khoán và vàng là những kênh quen thuộc với nhà đầu tư sành sỏi và am hiểu. Với BĐS cũng tương tự, BĐS là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
“Tôi quan sát 8 tháng qua, các BĐS đầu tư thuần túy có thể bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn có niềm tin vào các sản phẩm giá trị thật, các sản phẩm phục vụ an cư cho người dân vẫn có mức độ giao dịch ổn định” - bà Hương chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản là tiêu chí đầu tiên cho nhà đầu tư

Từ góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết trước đây có năm kênh đầu tư tuyền thống như ngân hàng, BĐS, vàng... nay có thêm các kênh đầu tư khác như quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, trong bất cứ quyết định đầu tư nào, mục tiêu đầu tiên của nhà đầu tư là phải bảo toàn vốn. Thứ hai là tính thanh khoản, mua đi bán lại được. Thứ ba là đầu tư vào cái gì để nó tăng lợi nhuận.
“Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, chúng ta không thể quá lạc quan. Vì vậy, theo tôi mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản là tiêu chí đầu tiên cho nhà đầu tư” - ông Hiếu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm