Các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng việc giá nhà, đất nhích lên theo thông tin quy hoạch hay hạ tầng mới là phản ứng bình thường của thị trường. Đây cũng là một thông tin tích cực, mang đến nhiều cơ hội cho đầu tư phát triển.
Giá nhà, đất sớm rục rịch tăng
Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức (tên tạm gọi) thuộc TP.HCM trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Thông tin này ngay lập tức mang đến làn sóng tích cực cho thị trường BĐS của TP.HCM, dù đề án thành lập TP ở phía đông đã được lên ý tưởng từ năm 2019.
Từ sớm, chủ đầu tư các dự án tại khu vực ba quận 2, 9, Thủ Đức đã có nhiều chiến dịch quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình, giá bán cũng nhích nhẹ qua các tháng. Đầu tháng 8, theo dữ liệu của chuyên trang batdongsan.com.vn, tính từ quý I-2017 đến hết quý IV-2019, giá căn hộ chào bán trên địa bàn ba quận khu đông có xu hướng tăng nhanh, mạnh nhất là dòng sản phẩm chung cư cao cấp.
Cụ thể, tại thời điểm quý I-2017, trung bình giá căn hộ tại đây khoảng 29 triệu đồng/m2 thì đến quý IV-2019 đã tiệm cận mức 41 triệu đồng/m2. Thời điểm hiện tại, mức giá đã thay đổi, lên tầm 45 triệu đồng/m2. Mức tăng gần 45% chỉ sau ba năm.
Ông Quốc Nam, chủ một căn hộ ở quận 9, cho biết năm ngoái giá căn hộ cùng diện tích, cùng tầng với ông được rao bán 1,6 tỉ đồng thì nay đã tăng thêm 200 triệu đồng/căn. Ông Nam từng muốn đầu tư một mảnh đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, gần ngã tư Bình Thái để kinh doanh. Cuối năm 2019, khi ông hỏi mua miếng đất có diện tích 200-300 m2 thì được báo giá 130 triệu đồng/m2. Thế nhưng thời điểm này đã tăng lên 158-160 triệu đồng/m2. “Môi giới cho biết có thông tin đề án thành lập TP mới nên về hạ tầng tương lai sẽ phát triển lắm. Sau này giá còn tăng nữa” - ông Nam nói.
Thị trường bất động sản nhộn nhịp theo thông tin đề án thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: QUANG HUY
Ông Việt Dũng (giám đốc một công ty môi giới BĐS hoạt động chủ yếu ở các quận 2, 9, Thủ Đức) cho biết cuối năm 2019, giá những miếng đất diện tích nhỏ khu vực đường Đỗ Xuân Hợp và đường Liên Phường (quận 9) khoảng 80-90 triệu đồng/m2. Thời điểm này, mặt bằng giá chung đã tăng khoảng 10-20 triệu đồng/m2, lên mức 90-110 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Giá đất các khu vực quận 2 vốn đã có mức sàn rất cao, nay còn nhích nhẹ so với năm 2019 khoảng 10 triệu đồng/m2. Giá đất trên tuyến đường Song Hành hiện khoảng 250-350 triệu đồng/m2, đường Trần Não giá khoảng 300-380 triệu đồng/m2…
“Việc có cơ hội hình thành một TP mới tại đây đang tạo ra những kỳ vọng mới về sự phát triển của cả khu vực. Khá nhiều dự án căn hộ ở khu đông đang tận dụng cơ hội này để thúc đẩy bán hàng với giá tốt hơn, trung bình 40-55 triệu đồng/m2. Các dự án mới cũng rục rịch khởi động và giá bán được dự báo sẽ cao” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết.
Kỳ vọng ở thì tương lai
Trước tình hình trên, chuyên gia BĐS Phan Công Chánh nhìn nhận đây là phản ứng bình thường của thị trường trước một thông tin tích cực. Theo ông Chánh, khi có đề án thành lập TP mới, một mô hình đô thị mới sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP rất lớn. Do đó, nhà đầu tư nào cũng sẽ kỳ vọng giá BĐS tăng lên.
Tuy nhiên, quan trọng là nhà đầu tư có chọn được sản phẩm phù hợp với khả năng của mình để sinh lợi hay không. Giá tăng càng nhiều càng có lợi cho nhà đầu tư cũ nhưng vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia.
“Quỹ đất không còn nhiều, số lượng dự án mới khan hiếm, mặt bằng giá khu vực đã cao hơn nhiều nơi khác rồi nên giá chỉ có lên.” - ông Chánh nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết sức hấp dẫn của đề án TP Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. Nổi bật là quận 9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm TP cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng.
Góp ý thêm, ông Nguyễn Hoàng Việt cho rằng tất cả vẫn còn ở thì tương lai. Một điều dễ nhận thấy là khu vực này hiện vẫn thiếu những trung tâm tài chính, trung tâm hành chính tập trung có quy mô lớn. “Chắc chắn việc hình thành các trung tâm tài chính, hành chính, công nghệ cao, sinh thái trong tương lai... sẽ biến khu vực này trở thành một điểm sáng mới mẻ trong bức tranh thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Điều đó sẽ mang đến lợi ích thiết thực cho người dân và khu vực” - ông Việt phân tích.
Trong động thái mới nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình triển khai công tác xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM. Theo đó, Sở QH-KT được giao chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng quy định tạm thời về quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng của TP Thủ Đức. Sau đó lấy ý kiến UBND các quận 2, 9 và Thủ Đức; tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh quy định tạm thời, trình ban chỉ đạo xem xét, thông qua trong tháng 10 năm nay. |