Thổi giá kit test: Phụ thuộc ý chí của các CDC

Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á không những gây chấn động dư luận bởi con số 4.000 tỉ đồng doanh thu do “làm ăn” với nhiều tỉnh, thành trên cả nước mà còn khiến nhiều người giật mình bởi số tiền “lót tay” khủng, riêng cho Phạm Duy Tuyến (giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hải Dương) đã là 30 tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra là liệu có lỗ hổng nào trong các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu để cho tội ác này dễ dàng được thực hiện như vậy?

Mua bán kit test được phép chỉ định thầu rút gọn

Hoạt động đấu thầu hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Tùy thuộc vào tính chất của từng gói thầu cụ thể trên thực tế, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ có thể được thực hiện theo một trong các hình thức như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp…

Hình thức chỉ định thầu sẽ được áp dụng cho các trường hợp được quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu. Cạnh đó, Điều 54 Nghị định 63/2014 nêu rõ về hạn mức chỉ định thầu.

Bộ kit test do Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép. Ảnh: TP

Cần lưu ý, Nghị quyết 79 ngày 22-7-2021 của Chính phủ về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19 cũng đã đồng ý cho “triển khai ngay gói thầu… để phòng chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu”.

Do vậy, hoạt động đấu thầu đối với vaccine, kit test… phục vụ cho công tác chống dịch sẽ được áp dụng thủ tục chỉ định thầu rút gọn theo khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/2014 và điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

Theo đó, bên mời thầu được quyền bỏ qua bước lựa chọn nhà thầu (bắt buộc đối với chỉ định thầu thông thường) mà trực tiếp đi đến đàm phán, giao kết hợp đồng với nhà thầu đã được chỉ định, lựa chọn luôn.

Ngày 22-12, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. 

Phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các CDC

CDC các tỉnh, thành muốn mua kit test thì sẽ áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn. Theo đó, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu.

Trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu phê duyệt kết quả chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu (khoản 1 Điều 56 Nghị định 63/2014).

Dựa trên quy trình này, có thể thấy việc lựa chọn nhà thầu trong hình thức chỉ định thầu rút gọn sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ đầu tư hoặc chính các CDC. Trong khi đó, ý chí chủ quan của những người này sẽ chịu chi phối của rất nhiều yếu tố như mối quan hệ và cả hoa hồng lót tay… Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và thực tế là dẫn đến những thiệt hại khủng khiến cho cả xã hội phải gánh chịu mà vụ án của Công ty CP Công nghệ Việt Á là minh chứng rõ ràng nhất.

Với quy định trao quyền lựa chọn nhà thầu cho chính các chủ đầu tư, CDC thì ngoài nguy cơ lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực còn có trường hợp các bên cùng thỏa thuận nâng giá thành sản phẩm, dịch vụ để tư lợi cá nhân…

Cần có tham vấn độc lập

Với việc mua bán trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập như vaccine, kit test, sinh phẩm, máy móc, vật tư y tế… để triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, Luật Đấu thầu đã cho phép áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn.

Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn khả năng khó kiểm soát đối với các gói thầu. Trong lúc khẩn cấp và áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn đã dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Nguy hiểm hơn, với các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế lại ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Dù sau này, những người sai phạm sẽ bị sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật đi chăng nữa thì hậu quả để lại cũng rất nặng nề.

Vì vậy, để khắc phục “lỗ hổng” này, nhất là trong lĩnh vực y tế, cần tăng cường kiểm tra điều kiện của bên tham gia dự thầu bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và các tổ chức tham vấn độc lập có chuyên môn dựa trên các bằng chứng khoa học.

TS DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN,Trưởng Khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm