Ngày 12-12, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII (nhiệm kỳ 2016-2021) đã tiến hành phiên thảo luận, thông qua các nghị quyết quan trọng.
Trong đó, HĐND đã thông qua "Nghị quyết về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Nghị quyết này từ căn cứ thực tiễn là thời gian qua tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An tuy được kìm giữ nhưng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nghệ An được Chính phủ, Bộ Công an xác định là một trong những địa phương trọng điểm về tội phạm mua bán người của cả nước.
Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra trong ba ngày và đã biểu quyết thông qua 22 nghị quyết về kinh tế, xã hội.
Trung bình hằng năm các lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ và khởi tố 15-20 vụ với 20-30 bị can phạm tội mua bán người.
Hiện nay, qua công tác nắm tình hình, rà soát, thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày ở địa phương nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp.
Đáng chú ý, ngoài việc mua bán người nhằm mục đích hoạt động mại dâm, bóc lột sức lao động như trước đây, công an phát hiện một số trường hợp mua bán người nhằm mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện thủ đoạn mua bán bào thai tại các huyện miền núi. Tội phạm dùng thủ đoạn lừa đưa phụ nữ đang mang thai từ 6-8 tháng sang Trung Quốc sinh con rồi bán lại cho người Trung Quốc.
Ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An), tính đến cuối năm 2018 đã có 25 phụ nữ dân tộc thiểu số sang Trung Quốc sinh con. Công an đã xác minh làm rõ trong 25 phụ nữ nêu trên có sáu người đã sinh con rồi bán lại bên Trung Quốc…
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết.
Nghị quyết này ra đời nhằm quy định một số biện pháp phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng cơ quan, tổ chức. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước các cấp, các ngành và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Đối tượng áp dụng của nghị quyết là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Các cơ quan đơn vị tổ chức cá nhân có liên quan đến các ngành nghề lĩnh vực dễ bị lợi dụng hoạt động mua bán người như môi giới, xuất khẩu lao động, du học có yếu tố nước ngoài; môi giới hôn nhân với người nước ngoài; nhận con nuôi; y tế; kinh doanh dịch vụ giải trí, du lịch; xuất nhập cảnh… cũng nằm trong nhóm đối tượng áp dụng của nghị quyết.