Ngày 22-8, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC).
Hàng loạt vấn đề được các đại biểu (ĐB) chỉ ra nhưng chưa có cách gỡ.
Không đủ người dự tòa?
Theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, sau khi luật 2015 có hiệu lực thi hành, có những địa phương, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng. Sau đó, phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha thông tin: Trong ba năm qua, TAND TP.HCM đã thụ lý hơn 2.100 vụ khiếu kiện hành chính (số lượng cực lớn so với các địa phương khác). Có 411/1.679 vụ TAND không tổ chức được đối thoại do chủ tịch UBND hoặc đại diện vắng mặt. Đặc biệt, năm 2017 có 260/260 vụ không thể đối thoại được cũng với lý do tương tự. “Khi làm việc với chúng tôi, phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị cho phép được đối thoại trực tuyến, vừa đỡ vất vả cho lãnh đạo TP, vừa cùng lúc đối thoại được với nhiều người dân” - ông Pha nói.
Còn theo số liệu của dự thảo báo cáo giám sát, trong ba năm, TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội tham gia tố tụng.
Phát biểu về việc này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình “đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát” nhưng cũng có ý kiến chia sẻ. Theo ông Bình, mỗi năm ở TP.HCM, Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính. “360 ngày, ngày nào cũng xử thì mỗi ngày phải xử ba vụ, mỗi ngày phải có ba ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa. Rõ là không đủ người” - chánh án TAND nói và cho rằng “ngoài trách nhiệm thì phải có sự hợp lý của luật”.
Cũng theo ông Bình, nhiều đoàn ĐB Quốc hội (QH) chất vấn chánh án TAND Tối cao như đoàn Hà Nội, TP.HCM, đề nghị chánh án có nghị quyết riêng về quy định có mặt tại ra tòa của lãnh đạo thành phố. “Chúng tôi trả lời không được vì vượt luật và sau đó đã phải báo cáo UBTVQH...” - ông Bình cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Điều 60 Luật TTHC được biểu quyết thông qua khi có đa số ĐBQH tán thành. Ngay khi mới bắt đầu thi hành, một số địa phương đã yêu cầu phải sửa ngay.
Bà Nga đặt câu hỏi: Có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt, như vậy có tôn trọng luật? Có đúng nguyên nhân do không đủ cấp phó không? “Chẳng lẽ trong ba năm trời ở một thành phố lớn không cử được một phó nào cả? Chúng tôi xem tivi thấy các ông ấy đi khởi công, động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia, sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có… Nói 260/260 vụ không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?” - bà Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, có thẩm phán bị tòa cấp trên sửa án hành chính họ không buồn mà rất vui. Ảnh: thu nguyệt
Làm rõ việc “nể nang trong xét xử”
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị các ĐB trao đổi một vấn đề khá nhạy cảm: Vì sao nhiều năm nay chúng ta có một đánh giá “thường trực” là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này? “Nguyên nhân ở đâu, tại sao ngại va chạm, tại sao nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào hành pháp ở chỗ nào? Có người nói lâu lâu VKS, tòa án phải xin tiền ủy ban để có một số hoạt động, không biết có đúng không? Hay lệ thuộc ở quyết định, nhận xét của cấp ủy trong quá trình bổ nhiệm lại? Thi hành án có lệ thuộc như thế không? Tưởng là ở huyện nể nang nên khó làm nhưng lên tỉnh cũng nể nang… Lý do vì sao?...” - bà Nga hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng hầu hết viện trưởng VKS và chánh án TAND cấp tỉnh là ủy viên (thành ủy, tỉnh ủy), đến khi bổ nhiệm xem xét phải xin ý kiến của thường vụ. “Các anh ngại là đúng thôi, thậm chí còn sợ. Tôi còn dùng thêm từ là “mong được yên thân” - ông Cương nói.
“Thẩm phán xử án hành chính, khi bị tòa cấp trên sửa án, nhiều người không buồn, thậm chí họ còn vui vì tòa án cấp trên sửa án của họ. Họ bất lực trước cơ quan hành chính. Do lệ thuộc nên bất lực...” - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ, người có thời gian dài công tác trong ngành tòa án tâm tư.
Cũng theo ông Bộ, dù Đảng và Nhà nước không có chủ trương can thiệp nhưng cá nhân cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, làm khó anh em tòa án xét xử án hành chính là có. “Nếu không chấn chỉnh thì án hành chính vẫn cứ trì trệ mãi… Về phương diện tiền, kinh phí, tha thiết đề nghị QH phân bổ ngân sách thế nào để ngành kiểm sát, tòa án không phải đi xin nữa thì mới độc lập được” - ông Bộ kiến nghị.
Phó Trưởng ban Nội chính Nguyễn Thái Học cho rằng thực tế là ở các địa phương có chuyện các cấp ủy đảng can thiệp sâu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp. “Vấn đề này chúng ta phải nói rõ ràng, Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan tư pháp” - ông Học khẳng định.
Các con số đáng chú ý • Theo dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, trong ba năm (2015-2017), cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án (chiếm gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính). • Tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194 (chiếm 10,67% tổng số khiếu kiện thụ lý). • Đến ngày 30-4-2018, theo báo cáo của Chính phủ, còn 36 bản án, quyết định chưa được chủ tịch UBND, UBND thi hành. • Theo báo cáo của TAND Tối cao, tổng số các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND được thụ lý, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm là hơn 13.400 vụ, trong đó số bản án, quyết định bị sửa, hủy là 1.096 vụ; tỉ lệ hủy, sửa là 8,17% (cao nhất trong các loại án). |