Bão số 8 tăng cấp, đang cách Hoàng Sa 680km, ảnh hưởng rộng

Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão Saudel (bão số 8) và mưa lũ miền Trung.

Ông Mai Văn Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, sáng nay cơn bão số 8 chính thức đi vào Biển Đông. Lúc 8h bão cách quần đảo Hoàng Sa 680km, cường độ hiện ở cấp 8-9, giật cấp 11.

Vị trí và đường đi của bão số 8. Ảnh: KTTVQG

Bão số 8 mạnh nhất khi ở gần quần đảo Hoàng Sa

Nhận định về cơn bão số 8, ông Khiêm cho biết theo các phân tích quốc tế và Việt Nam, so với các cơn trước đây, cơn bão này có phổ ảnh hưởng tương đối rộng, cả hướng di chuyển và cường độ.

“Đài khí tượng Nhật Bản nhận định phổ ảnh hưởng của bão số 8 kéo dài từ các tỉnh Đông Bắc bộ kéo đến Nam Trung bộ. Các đài Hồng Kông và Hoa Kỳ cũng dự báo như vậy” – ông Khiêm nói.

Các đài khí tượng quốc tế cũng chung nhận định cường độ mạnh nhất ở cấp 11-12, giật cấp 14 tại thời điểm bão di chuyển đến gần quần đảo Hoàng Sa. Khi vào đất liền, bão giảm còn cấp 8-9, một số đài quốc tế dự báo còn cấp 7.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (TTKTTVQG) phân tích, khí quyển đại dương, nhiệt độ nước biển có ảnh hưởng khá lớn đến cường độ cơn bão.

“Phía đông quần đảo Hoàng Sa có nhiệt độ nước biển khá cao, là điều kiện thuận lợi để bão tăng cấp trong 24-49 giờ tới, có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Khi vào gần bờ, khoảng từ đêm 24, ngày 25 gặp không khí khô và lạnh làm cản trở cơn bão mạnh lên, do đó bão sẽ giảm cấp. Trọng tâm bão số 8 hướng đến là Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ” – ông Khiêm cho biết.

Với điều kiện như vậy, TTKTTVQG cảnh báo khoảng 2-3 ngày tới bão mới ảnh hưởng nhưng từ đêm nay (21-10) cần ứng phó với gió mạnh ở khu bắc Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa với vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12, sóng biển cao 5-7m.

Về tình hình mưa, ông Khiêm cho biết với kịch bản hiện nay nếu vẫn duy trì tương tác này thì khả năng lượng mưa trước bão không lớn. Khi bão đổ bộ, lượng mưa sẽ khoảng 200-300mm. Hoàn lưu sau bão sẽ hình thành dãy thấp, hoạt động yếu, không lớn như mấy đợt vừa qua. Tuy nhiên, trong thời gian qua các tỉnh Trung Trung bộ đã chịu tổn thương nặng nề của mưa lũ, nên với gió và mưa như vậy thì nguy cơ rất cao tiếp tục gây tổn thương cho khu vực này.

Về tình hình mực nước lũ ở Trung Trung bộ, khu sông Kiến Giang ở Lệ Thủy, 6 giờ tới tiếp tục rút nhưng vẫn trên báo động 3. Tình hình mưa thì ngày hôm nay mưa giảm rõ rệt. 3 ngày tới chủ yếu mưa do các nhiễu động, không còn mưa lớn như trong hệ thống những ngày vừa rồi.

Chủ động ứng phó vỡi bão số 8

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, tính đến 6h ngày 21-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện/263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Trong đó đang hoạt động trên biển có 10.547 tàu/76.449 lao động, bao gồm 32 tàu/288 lao động hoạt động ở khu vực Hoàng Sa của Bình Định, còn lại hoạt động vùng biển khác và ven bờ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp ứng phó với bão số 8. Ảnh: KTTVQG

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng dự kiến ảnh hưởng đang có 63.977 ha, số lồng bè có 10.284 lồng, bè. Các hồ thủy lợi, thủy điện cơ bản đã đầy nước.

Ngày 19-10, ngay khi hình thành áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippin và dự báo sẽ vào Biển Đông, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 29/CĐ-TWPCTT chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; các Bộ, ngành để ứng phó với ATNĐ gần biển Đông và mưa lũ. Ngày 20-10, khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục có Công điện số 30/CĐ-TW đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ứng phó.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá dù hiện nay bão vẫn ở cách xa đất liền nhưng nếu không chủ động các phương án thì cũng có nguy cơ mất an toàn.

Ông Cường yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai nhắc nhở các đơn vị liên quan, các địa phương tập hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tất cả các hoạt động kinh tế biển phải đảm bảo an toàn. “Rút kinh nghiệm 8 tàu vãng lai đợt vừa rồi là vận tải, nạo vét cát bị tai nạn. Đây là điều rất đáng tiếc. Ngoài ra có 44 điểm sạt lở, khi bão vào thì có nguy cơ rất cao mất an toàn. Quán triệt toàn bộ các hướng biển đó phải đảm bảo phương án an toàn” – ông Cường nhấn mạnh.

Cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt lưu ý toàn bộ hướng sườn tây của khu vực miền Trung đang trương nước bão hòa, do đó bất kỳ tổn thương nào dù nhỏ cũng gây nguy cơ sạt lở rất lớn. Vì vậy việc cứu hộ cứu nạn, phục hồi kinh tế cần đặc biệt lưu ý.

Ông Cường cũng lưu ý vùng úng trũng, các lưu vực hiện nay đa số đều xuống báo động 2, 1, nhưng cần lưu ý rốn trũng ở Quảng Bình, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Lưu ý tất cả hệ thống 2.600 hồ đang đầy ắp nước, do đó thủy điện, thủy lợi phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất. Lưu ý hồ Kẻ Gỗ và hồ Tả Trạch. Đây là hai van cầu chì, Tổng cục Thủy lợi phải trực tiếp theo dõi.

Về công tác cứu trợ, Bộ trưởng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ cử các đoàn rà soát việc phục hồi thủy sản, trồng trọt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm