Bị đơn không phản tố, tòa vẫn xử

Trước đây, theo đơn kiện của bà H., năm 2002, chồng bà bán giấy tay cho vợ chồng ông B. một nền nhà với giá 10 triệu đồng. Năm 2003, chồng bà tiếp tục bán giấy tay cho vợ chồng ông B. 1.000 m2 đất với giá 38 triệu đồng. Quá trình chuyển nhượng hai phần đất trên, chồng bà không trao đổi với bà, mang tiền về thì bà mới biết. Vào thời điểm này, vợ chồng bà chưa được cấp giấy đỏ vì đất là của cha mẹ chồng cho. Đến năm 2005, sau khi cha chồng mất thì vợ chồng bà mới làm xong thủ tục sang tên.

Năm 2009, vợ chồng ông B. xây nhà, bà ngăn cản và yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp. Hòa giải không thành, bà đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Chợ Lách hủy hai hợp đồng chuyển nhượng đất viết tay được lập giữa chồng bà và vợ chồng ông B. Vợ chồng ông B. phải di dời căn nhà cùng cây trồng trên đất để trả lại đất cho gia đình bà. Ngược lại, bà sẽ trả lại tiền bán đất cho vợ chồng ông B.

Tháng 11-2012, TAND huyện Chợ Lách đã đưa vụ án ra xét xử, bác yêu cầu của bà H., công nhận các hợp đồng chuyển nhượng giữa chồng bà H. với vợ chồng ông B. Bà H. kháng cáo, cho rằng các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa chồng bà với vợ chồng ông B. là vô hiệu nhưng tòa sơ thẩm vẫn công nhận là thiếu căn cứ…

Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bến Tre nhận định: Theo hồ sơ thể hiện thì phần đất chuyển nhượng có nguồn gốc của cha mẹ chồng bà H. Cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng đất cho hộ cha mẹ chồng bà H., trong hộ có cả bà H. Tòa sơ thẩm chưa làm rõ quyền lợi của bà H. trong hộ gia đình này như thế nào...

Ngoài ra, trong vụ này, bà H. chỉ yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất, còn bị đơn không có yêu cầu phản tố là tiếp tục thực hiện hợp đồng hay không. Do vậy, việc tòa sơ thẩm công nhận các hợp đồng chuyển nhượng là vi phạm tố tụng. Lẽ ra trong quá trình hòa giải, tòa sơ thẩm phải hướng dẫn cho bị đơn làm đơn phản tố và nộp tạm ứng án phí.

VĂN TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm