Chiều 31-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5. Báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ Nhật Cường, mua điểm thi và bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng…
Đang truy nã ông chủ Nhật Cường
“Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, Bộ Công an có phát lệnh truy nã quốc tế hay không? Vì sao ông chủ Nhật Cường đã vào tầm ngắm mà vẫn bỏ trốn được?” - báo chí hỏi.
Đáp lại, Trung tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) thông tin: Căn cứ vào các tài liệu thu thập được đủ cơ sở xác định Công ty TNHH Nhật Cường có dấu hiệu của tội buôn lậu. Vì vậy ngày 9-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khám xét khẩn cấp tại chín địa điểm. Quá trình khám xét, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) không có mặt tại nơi cư trú. “Ở thời điểm đó, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn” - ông Quang nói.
Sau quá trình khám xét khẩn cấp đã thu thập, củng cố thêm nhiều chứng cứ, tài liệu.
Do vậy ngày 14-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy và tám đối tượng khác đã bị bắt. Riêng Bùi Quang Huy, từ khi khám xét đến khi khởi tố vụ án đều không đến trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú.
Ngày 18-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và đề nghị Interpol truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy. “Chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ. Cổng thông tin Bộ Công an cũng đã kêu gọi Bùi Quang Huy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật” - ông Quang nói.
Báo chí sau đó đề nghị đại diện Bộ Công an cung cấp danh tính tám đối tượng (bị khởi tố) có liên quan trong vụ Công ty Nhật Cường. Ông Lương Tam Quang cho biết sẽ công bố danh tính tám đối tượng ở thời điểm thích hợp nhất để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra vụ án.
Từ lúc các cửa hàng bị khám xét, ông chủ Nhật Cường đã không có mặt nơi cư trú. Ảnh: Tuyến Phan
Sớm công bố kết luận về bán đảo Sơn Trà
Tại cuộc họp báo, các báo hỏi kể từ năm 2017, những sai phạm trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được phát hiện, thanh tra nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc, ra kết luận như vụ dự án Đa Phước, vụ sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà…
Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cho biết Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà và khu đô thị quốc tế Đa Phước, TP Đà Nẵng.
Theo phó tổng thanh tra, liên quan đến cuộc thanh tra hai vụ việc trên, Thanh tra Chính phủ đã nhận được văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đề nghị cho biết thông tin, tiến độ thanh tra. “Chúng tôi đã có công văn phúc đáp Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng” - phó tổng thanh tra cho biết.
Theo ông Lam, bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt, gắn với nhiều yếu tố: An ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, rừng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với TP Đà Nẵng để nghe các đơn vị báo cáo giải trình.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có hai cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT... để bàn những giải pháp được đặt ra.
“Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra và thời gian gần nhất sẽ ban hành, công bố kết luận này” - phó tổng thanh tra nhấn mạnh.
Vẫn thi tốt nghiệp THPT hai trong một
“Có ý kiến cho rằng kỳ thi THPT quốc gia tổ chức ở địa phương không còn phù hợp nữa. Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã có phương án nào cho những năm tới để giải quyết việc này chưa?” - PV tiếp tục đặt câu hỏi.
Đáp lại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: Trước năm 2015, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải thi ba kỳ thi nữa là gồm thi đại học (ở các khối khác nhau) và cao đẳng. Việc tổ chức thi đã gây nhiều khó khăn cho cha mẹ học sinh, vào ngày thi các học sinh phải dồn từ các tỉnh về các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, đồng thời cũng gây nhiều bức xúc cho người dân.
Ông Độ cũng khẳng định “không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT” vì điều này trái với quy định của Luật Giáo dục. Luật ghi rõ những học sinh đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì được dự thi; nếu đủ các điều kiện thì được đỗ tốt nghiệp, được giám đốc sở cấp bằng công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo ông, vấn đề này đã được cân nhắc kỹ. Vì Luật Giáo dục 2005 đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, chỉ còn duy nhất kỳ thi THPT, đây là kỳ thi rất quan trọng, làm dấu mốc đánh giá cả quá trình học phổ thông. Nếu không thi thì động lực học tập của học sinh sẽ khác. Do vậy Bộ thấy rằng cần phải tổ chức kỳ thi theo đúng luật.
Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi đại học sẽ vất vả cho các học sinh và gia đình. Vì vậy, Bộ thấy rằng không tổ chức kỳ thi đại học mà tổ chức một kỳ thi chung là kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp và cũng làm cơ sở để các trường đại học dựa vào đó xét tuyển sinh.
“Luật Giáo dục đại học quy định rõ các trường đại học được tự chủ về tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm trong công tác này” - ông Độ nhấn mạnh và cho biết Bộ sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của nhân dân, sau năm 2020 sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Chưa đủ chứng cứ về mua điểm 1 tỉ đồng/suất Cũng tại cuộc họp báo, PV đặt câu hỏi về việc có thông tin bỏ 1 tỉ đồng/suất mua điểm ở Sơn La. Trung tướng Lương Tam Quang cho biết hiện đã khởi tố ba vụ tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong đó, hai tỉnh Hà Giang, Sơn La giao cho cơ quan điều tra của hai tỉnh xử lý, còn Hòa Bình do cơ quan điều tra của Bộ Công an xử lý. “Cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ để kết luận có việc đưa/nhận tiền. Hiện chúng tôi đang đấu tranh để làm rõ chứng cứ” - người phát ngôn Bộ Công an nói. |