Bổ sung giám định tư pháp ở Viện Tối cao để chống oan sai

Dù đây là lần thảo luận cuối tại nghị trường trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua nhưng các đại biểu tranh cãi kịch liệt về vấn đề giao cơ quan kiểm sát tiến hành giám định tư pháp.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). Ảnh: Quochoi.vn

Đưa ý kiến phản đối thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự tư pháp ở VKSND Tối cao, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk) nói: “Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nếu làm thêm công tác giám định nữa thì không khách quan. Thứ hai là điều này không phù hợp với quan điểm tinh giản bộ máy, lo lắng phát sinh biên chế bộ máy”.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề: Nếu lấy lý do là quá tải tại các tổ chức giám định của Bộ Công an thì sao không thành lập phòng giám định ở cơ quan công an cấp tỉnh.

Trước các ý kiến trên, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã tranh luận lại. Ông cho rằng câu chuyện bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao không phải là do quá tải mà để đáp ứng yêu cầu tránh oan sai ngày càng cao trong hoạt động điều tra, xét xử hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang). Ảnh: Quochoi.vn

“Tôi đặt giả định trong giám định âm thanh, hình ảnh mà đã được cơ quan công an giám định nay mới phát hiện ra có vấn đề. Trong trường hợp đó, nếu giao lại cho công an giám định thì sẽ ra kết quả như thế nào?", ông Bộ nói.

Ông dẫn chứng: Lịch sử tư pháp từng có vụ việc Tùng Dương ở Cầu Chương Dương (Hà Nội) đã bao lần giám định của công an không ra được đến khi giao giám định quân đội mới ra.

"Việc bổ sung quy định này nhằm thực hiện yêu cầu cao nhất là chống oan sai, chứ không phải là quá tải hay không quá tải”, ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm