Bất cập trong giám định tư pháp khiến án kéo dài

Ngày 21-2, Ủy ban Tư pháp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức”. Trong khi các cơ quan tố tụng than gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác giám định tư pháp thì các giám định viên (GĐV) cũng mang rất nhiều tâm tư.

Đùn đẩy trách nhiệm, từ chối giám định

Thượng tá Lê Đức Trường, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, cho rằng kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, nhiều trường hợp không thể thiếu để CQĐT làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa được thường xuyên, chặt chẽ.

“Có trường hợp cơ quan trưng cầu giám định ra quyết định trưng cầu giám định nhưng nhiều tháng sau bộ, ngành chủ quản chưa cử được GĐV hoặc đưa ra các lý do không chính đáng để từ chối cử GĐV, đùn đẩy trách nhiệm khiến CQĐT phải nhiều lần ra văn bản yêu cầu” - ông Trường nói. Ông cho biết thường đến lúc không thể từ chối, cơ quan chủ quản mới cử GĐV.

Ông Trường dẫn chứng có vụ án khi C03 trưng cầu giám định thì cả Bộ Tài chính, Bộ GTVT  đều từ chối giám định. Sau đó phải có “yêu cầu” của lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng GTVT mới cử GĐV thực hiện yêu cầu của cơ quan CSĐT. “Vụ này sau 21 tháng kể từ khi có quyết định trưng cầu giám định mới có kết luận giám định” - ông Trường thông tin.

Phát biểu sau đó, GĐV Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng cho biết dù thực thi công vụ nhưng GĐV chịu trách nhiệm cá nhân. “Điều này cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra tâm lý lo ngại, sợ rủi ro khi kết luận giám định của GĐV tài chính” - ông Hưng chia sẻ. Ông lý giải lĩnh vực tài chính rất phức tạp, gồm nhiều chuyên ngành chuyên sâu, khó tránh khỏi sai sót nếu còn vấn đề chưa rõ cần tham khảo mà không được hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề xuất quyết định trưng cầu giám định cần xác định rõ cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, nội dung nào do cơ quan nào tiến hành, có như vậy mới tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm. “Mặc dù vấn đề nêu trên đã tản mạn đâu đó ở khoản 1 và 2 Điều 25 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (về trưng cầu giám định) nhưng nếu ta quy định rõ hơn được sẽ rất tốt” - ông Hiếu nói.

Từ trái qua: Ông Phan Chí Hiếu, ông Đào Thịnh Cường, ông Lê Đức Trường. Ảnh: ĐỨC MINH

Phải gia hạn điều tra để chờ giám định

Ông Đào Thịnh Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế VKSND Tối cao) nhận định nhiều vụ án liên quan đến giám định về kinh tế đều không bảo đảm về mặt thời hạn.

Theo ông Cường, từ năm 2013 đến 2018, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế VKSND Tối cao có tổng cộng 46 vụ án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Trong đó, tám vụ thời gian giám định bị kéo dài. Trong thời gian chờ kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Có vụ án gia hạn thời hạn điều tra lần hai, lần ba chỉ để chờ kết luận giám định chứ cũng không có hoạt động điều tra nào khác” - ông Cường nói. Ông cho biết điều này dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định chung chung, khó buộc trách nhiệm

Tại tọa đàm, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đề nghị cần xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định. Cơ quan trưng cầu giám định phải trưng cầu đúng và cung cấp đầy đủ tài liệu. “Anh được trưng cầu giám định, né tránh, đùn đẩy, không cử GĐV thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng anh trưng cầu giám định không đúng cũng phải chịu trách nhiệm. Cái này phải rất công bằng” - ông Học nói.

Cũng theo ông Học, cần quy định rõ trường hợp bộ, ngành từ chối trưng cầu giám định thì trách nhiệm thuộc về ai, thứ trưởng hay bộ trưởng, nếu chỉ quy định chung chung sẽ không ai chịu trách nhiệm. 

Quan trọng hơn, khi sử dụng hết tất cả thời hạn theo quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng buộc phải tách vụ án, dẫn đến trong thời gian dài bị cáo thực hiện nhiều hành vi tương đồng lại bị xử làm nhiều lần. “Điều này vừa khiến kéo dài thời hạn điều tra, tốn thời gian, công sức, vừa bất lợi cho bị cáo khi xem xét trách nhiệm hình sự” - ông Cường nhấn mạnh.

Trong tham luận gửi tới tọa đàm, ông Cường dẫn chứng vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (giai đoạn hai vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm)…

Theo đó, vụ án khởi tố ngày 24-12-2018. Quá trình điều tra, do công tác giám định, định giá tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản vay để xác định vi phạm, thiệt hại, hậu quả và diện đối tượng xử lý chậm nên phải gia hạn thời hạn điều tra lần thứ hai, thứ ba để đợi kết luận định giá của hội đồng định giá trong tố tụng hình sự.

Ngày 14-11-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) ra kết luận điều tra. Ngày 10-1-2020, VKSND Tối cao đã truy tố các bị can và chuyển hồ sơ đến TAND TP.HCM để xét xử vụ án. Tuy nhiên, có một số khoản vay vẫn chưa có kết luận giám định nên CQĐT phải tách vụ án để xử lý sau.

Không chỉ là chuyện chỗ ngồi

Tại buổi tọa đàm này, dù không thuộc nội dung cuộc tọa đàm, tuy nhiên một số ý kiến khá bức xúc về vị trí của GĐV tại tòa.

GĐV Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng than việc GĐV bị triệu tập đến tòa không có chỗ ngồi riêng, phải ngồi chung cùng thân nhân, người nhà bị cáo… Tại tòa, GĐV bị gọi lúc nào thì lên trả lời tranh luận lúc đó, không có thời gian chuẩn bị.

“GĐV ra tòa phải “thi đấu” luôn với luật sư, điều này rất rủi ro. Chỉ nói hớ một câu là có thể bị xem xét lại cả kết luận giám định” - ông Hưng nói. Ông đề nghị có cơ chế cho phép cơ quan cử GĐV được quyền xem xét cử thêm người hỗ trợ GĐV về mặt pháp lý trong quá trình tham gia xét hỏi để bảo đảm khách quan. Đồng thời, ông Hưng cho rằng nên có quy định về chỗ ngồi làm việc, trả lời của GĐV với tư cách thực thi công vụ tại tòa, thay vì như hiện nay địa vị không bảo đảm.

Bất cập trong giám định tư pháp khiến án kéo dài ảnh 2
Ông Phạm Đức Hưng (giám định viên Bộ Tài chính). Ảnh: ĐỨC MINH 

“GĐV ra tòa ghế ngồi không có chỗ tựa, trong khi thời gian ngồi không phải ít, 4 tiếng sáng, 4 tiếng chiều. Mỗi ngày ra tòa GĐV cũng chỉ được hỗ trợ 50.000-70.000 đồng, trong khi gửi xe hai lần đã tốn 10.000 đồng” - một GĐV đến từ Bộ NN&PTNT rất tâm tư.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay ban đầu Chính phủ đề xuất dự thảo luật giao TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể về vị trí, chỗ ngồi, phạm vi các vấn đề cần trình bày, giải thích của người giám định tư pháp tại phiên tòa. Tuy nhiên, quá trình chỉnh lý, ý kiến của Viện Tối cao và Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là nội dung thuộc về tố tụng, không nên quy định trong dự thảo.

“Nếu không quy định trong dự thảo nội dung này, chờ sửa pháp luật về tố tụng thì sợ lâu và nếu không quy định trong dự thảo thì TAND Tối cao không có cơ sở pháp lý để hướng dẫn” - ông Hiếu nói. Ông “rất thiết tha” xin giữ nguyên phương án trình của Chính phủ để xử lý các vướng mắc trong thực tế.

“Có ý kiến nói GĐV rất khổ, trách nhiệm thì cao, công việc phức tạp, nhạy cảm, chi phí lại không đáng kể. Thời gian dành cho việc này cũng không nhiều, các GĐV phần lớn đều là kiêm nhiệm. Cuối cùng, ra phiên tòa chỗ ngồi không có. Có người than GĐV ra phiên tòa phải kẹp tài liệu vào đùi…” - ông Hiếu nói. Ông cho rằng trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn, nếu chỉ quy định trách nhiệm không thì chẳng ai muốn làm công việc giám định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm