Ngoài chuyện kêu gọi các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử tôn trọng bản quyền tác phẩm báo chí thì lãnh đạo các báo cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước “dẹp loạn”.
“Nấu cháo trên lưng đồng nghiệp”
Trong một thời gian dài (2013-2018) tập trung đầu tư cho mảng tin nóng, báo Người Lao Động điện tử (plo.vn) được độc giả chú ý, lượng truy cập và các chỉ số khác cùng tăng trưởng nóng.
Song song với đó, chúng tôi cũng bị rất nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp nhòm ngó và điều gì đến đã đến: Báo vừa lên tin nóng, tin hay là bị copy, đưa về đăng ở trang của họ, giấu nguồn hoặc cố tình dẫn nguồn rất lờ mờ. Nhiều trang xào xáo tin, bài của chúng tôi, đổi tít và sửa nội dung theo chủ ý của họ, lắm khi làm sai lệch quan điểm và nội dung tác phẩm gốc.
Từ tháng 9-2018, chúng tôi ra thêm mục “Tin độc quyền”. Nói là “độc quyền” nhưng chỉ được vài phút vì thường xuyên bị copy ngay sau đó. Ai lấy, đăng ở những đâu không thể nào kiểm soát hết vì thế giới mạng mênh mông.
Gần 10 năm nay, bên cạnh dòng cảnh báo về bản quyền trên trang chủ, chúng tôi thực hiện phương thức hợp tác khai thác tin, bài với nhiều báo điện tử, trang tin, website địa phương, bộ, ngành qua con đường trao đổi công văn. Những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có văn bản đề nghị và được sự đồng ý của chúng tôi bằng văn bản thì mới được phép khai thác lại tin, bài từ báo Người Lao Động (nhưng không được quyền thay đổi nội dung, sửa tít...), ngược lại tức là vi phạm bản quyền. Chúng tôi còn có tổ đa phương tiện mỗi ngày rà soát trên không gian mạng để phát hiện những trường hợp vi phạm bản quyền. Chúng tôi nhắc nhở họ trước, nếu không lay chuyển thì sẽ đưa lên các diễn đàn mạng xã hội để cảnh báo, nặng hơn nữa là gửi văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi, đồng thời thông báo đến các cơ quan quản lý báo chí.
Tuy nhiên, mọi giải pháp đều mang tính tương đối, không thể nào ngăn chặn nổi tình trạng “nấu cháo trên lưng đồng nghiệp” hiện nay dù luật pháp nghiêm cấm hành vi vi phạm bản quyền.
Luật pháp, quy tắc đạo đức báo chí... đã quy định rõ, nên những người làm báo đừng quên nó và cũng rất cần “bàn tay sắt” của các cơ quan quản lý báo chí mới dẹp “loạn” được.
Nhà báo DƯƠNG QUANG, Phó Tổng biên tập báo Người Lao Động
Trang thông tin điện tử Pháp Luật Ngày Nay sao chép bài viết của báo Pháp Luật TP.HCM trong cùng một ngày mà không được sự cho phép. Ảnh: PV
Nỗ lực nhưng không ngăn chặn nổi
Dù bất cứ loại hình báo chí nào cũng dựa vào lượng độc giả, mất bản quyền là báo chí mất bạn đọc và doanh thu. Chỉ ai trong hoàn cảnh có đứa con tinh thần là một tác phẩm báo chí hay, lại được người đọc tiếp nhận qua các trang báo khác hoặc các trang thông tin điện tử tự động cập nhật chứ không phải từ tờ báo của mình làm ra thì mới hiểu được nỗi khổ của việc bị vi phạm bản quyền.
Báo Tuổi Trẻ thường xuyên bị một số tờ báo, trang thông tin điện tử sử dụng các tác phẩm báo chí nhưng không được sự đồng ý. Chúng tôi đã nỗ lực làm nhiều cách như thành lập nhóm bảo vệ bản quyền, xây dựng quy trình các bước xử lý khi có tình trạng vi phạm bản quyền... nhưng vẫn không ngăn chặn nổi. Từ trước tới nay, chúng tôi chỉ mới đề nghị cơ quan chức năng xử lý các trang điện tử giả mạo Tuổi Trẻ, riêng với báo bạn có tình trạng lấy tin, bài, ảnh, clip..., chúng tôi nhắc nhở là chính.
Theo tôi, chỉ khi nào lãnh đạo tất cả tờ báo đều tôn trọng việc bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ tác phẩm báo chí; các tờ báo đều có quy chuẩn riêng về tôn trọng bản quyền khi tác nghiệp, bố trí nhân sự phụ trách việc này và cùng phối hợp với nhau trên tinh thần tôn trọng đạo đức nghề nghiệp thì tình trạng vi phạm bản quyền mới không còn là vấn nạn.
Ông HOÀNG NGUYÊN, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ
Cơ quan quản lý cần mạnh tay về bản quyền báo chí
Báo Thanh Niên thường xuyên bị xâm phạm bản quyền. Cách đây khoảng năm năm, tình trạng này diễn ra với cường độ cao, hiện tại thì có xu hướng giảm sau khi chúng tôi quyết liệt thực hiện một loạt biện pháp.
Trước hết, ban biên tập ban hành hai bộ quy chế “Không xâm hại bản quyền” và “Chống xâm hại bản quyền”. Ở bộ quy chế thứ nhất, song song với việc nâng cao nhận thức của lực lượng phóng viên, biên tập viên, chúng tôi có chế tài rất nặng đối với hành vi xâm hại bản quyền báo bạn. Bộ quy chế thứ hai quy định việc bảo vệ bản quyền các nội dung đăng tải trên Thanh Niên, trình tự xử lý và bộ phận phụ trách.
Khi phát hiện có hành vi xâm hại bản quyền trên các báo, trước hết chúng tôi liên lạc với người thực hiện (hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí đó) yêu cầu tháo gỡ ngay nội dung đã đăng. Nếu người thực hiện không chấp nhận yêu cầu này, chúng tôi sẽ có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
Riêng việc các trang mạng xã hội, các trang tin không rõ nguồn gốc lấy nội dung của Thanh Niên về đăng tải thì việc xử lý, ngăn chặn vượt ngoài tầm của báo Thanh Niên.
Mỗi nội dung đăng trên báo Thanh Niên là sản phẩm của cả một tập thể, từ phóng viên viết, phóng viên ảnh, biên tập viên, người trình bày, người xuất bản... Chúng tôi mong mỏi mọi người tôn trọng công sức của những người đã tạo ra sản phẩm và hành xử đúng luật pháp trong vấn đề bản quyền.
Ngoài ra, chúng tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nên lập một bộ phận để xử lý nhanh các trường hợp khiếu nại xâm phạm bản quyền. Đồng thời ban hành mức chế tài từ phạt tiền cho đến rút giấy phép các tờ báo liên tục có hành vi xâm phạm bản quyền các báo khác.
Nhà báo HẢI THÀNH, Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên
Các cơ quan báo chí chưa quyết liệt
Qua nắm bắt thông tin từ hệ thống tuyên giáo cũng như các cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi thấy đang có hiện tượng đáng lo ngại về tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử. Việc này không chỉ là trình bày, giao diện trang web như là báo điện tử mà còn vi phạm bản quyền trong sao chép, biên tập lại tin, bài từ các tờ báo và tổ chức tự sản xuất tin, bài không đúng quy định…
Các biểu hiện tiêu cực ấy xảy ra khá nhiều, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy các bên bị hại là cơ quan báo chí quyết liệt lên tiếng, phản đối.
Các quy định pháp luật hiện tại khá thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái nội dung số. Về cơ bản, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể đăng ký tên miền, phát triển nội dung trên Internet. Quy định về cấp phép trang tin điện tử tổng hợp cũng khá thông thoáng. Tuy nhiên, lỏng quá thì dẫn tới khó phân biệt đâu là báo chí chuyên nghiệp (điều kiện rất chặt) với trang tin tổng hợp mà chỉ cần một vài người, bằng công nghệ hiện đại là có thể sao chép, thậm chí cập nhật thông tin tự động theo thời gian thực mà nhiều khi không được phép của cơ quan báo chí.
Vì vậy cần có đánh giá, rà soát lại các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp để các trang này hoạt động rõ ràng, chuyên biệt theo lĩnh vực chứ không thể tổng hợp tất cả thông tin.
Cũng phải nói rõ là trang thông tin tổng hợp có mặt tích cực là cầu nối giúp lan tỏa thông tin báo chí tới người dùng Internet và giữa cơ quan báo chí với một số trang tin vẫn có sự hợp tác. Vậy nên vướng mắc phát sinh các bên cần ngồi lại. Theo tôi biết, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ tổ chức tọa đàm, hội nghị để các bên mổ xẻ, giải quyết các vấn đề tồn tại để có giải pháp tốt nhất cho hoạt động của cả báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp.
Ông TRẦN THANH LÂM, Phó Vụ trưởng phụ trách
Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương
Ngày 18-7, Ban biên tập báo điện tử Dân Việt có văn bản yêu cầu Báo Mớidừng khai thác lại tin, bài, ảnh, clip từ báo điện tử Dân Việt. Về việc này, ông Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt, cho hay: “Gần đây, một số trang tin điện tử tổng hợp lấy quá nhiều thông tin của báo chí, trong đó có báo Dân Việt, thậm chí lấy rất lệch lạc, ví dụ chúng tôi đưa bức tranh tổng thể nhưng họ chỉ lấy một số tin, bài không đúng bản chất thông tin. Từ đó ban biên tập quyết định không cho họ lấy lại các tin, bài… Chúng tôi cũng có hợp tác với một số báo để có thể khai thác thông tin của nhau trên một số nguyên tắc, ví dụ như phải lấy nguyên bản tin chứ không được giật tít lại hay đảo thông tin và phải ghi rõ nguồn. |