Các tỉnh miền Tây tìm giải pháp tốt nhất cho dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 3-10 và trong ngày 4-10, dòng người tự phát từ TP.HCM và các tỉnh vùng trên tiếp tục đổ về quê ở miền Tây. Thống kê sơ bộ từ các tỉnh, thành, từ ngày 30-9 đến nay, có trên 100.000 người tự phát trở về quê đều được các địa phương tiếp nhận.

Vừa lo cho dân vừa sợ quá tải

Một trong những tỉnh có lượng người về quê tự phát nhiều là An Giang. Trưa 4-10, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đến sáng cùng ngày, đã có 27.000 người từ các tỉnh, thành trở về quê nhà. Tỉnh đã trưng dụng các cơ sở giáo dục để làm điểm cách ly tập trung nhưng hiện cũng đã hết chỗ…

Trước đó, vào tối 3-10, Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các địa phương của tỉnh để tìm hướng giải quyết tình hình công dân ngoài tỉnh trở về địa phương.

Hàng ngàn người dân các tỉnh về quê đang được các địa phương tiếp đón. Ảnh: ANH HÀO

Theo tinh thần kết luận tại cuộc họp, tỉnh thống nhất quan điểm tổ chức tiếp nhận các công dân An Giang tự phát về quê và tỉnh lập ngay Ban tổ chức tiếp nhận công dân An Giang ngoài tỉnh về địa phương để đảm bảo việc tổ chức đưa đón về địa phương có trật tự, an toàn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch theo quy định. Các địa phương chủ động bố trí các khu vực tiếp nhận ban đầu, rộng rãi, thông thoáng, sàng lọc, xét nghiệm, phân loại theo nguy cơ, tiến hành tổ chức cách ly phù hợp, theo đúng hướng dẫn của ngành y tế

Còn tại Đồng Tháp, theo thống kê, từ ngày 1 đến 3-10, có 16.000 công dân của Đồng Tháp từ các tỉnh khác tự phát về quê qua các cửa ngõ như tuyến quốc lộ N2 ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười; quốc lộ 30 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh và quốc lộ 80 ở huyện Châu Thành. Điều khó khăn là số lượng người về cùng một lúc dồn dập, các khu cách ly trên địa bàn đang quá tải. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng dù tình huống phát sinh ngoài kế hoạch nhưng Đồng Tháp chia sẻ khó khăn, cố gắng hỗ trợ, tiếp đón bà con về từ vùng dịch, đảm bảo an toàn.

Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, qua thống kê đến ngày 4-10, đã có trên 23.000 người dân tự phát về quê, trong đó Cà Mau là 13.003 người. Tại hai địa phương này, lực lượng công an, bộ đội cũng tích cực tiếp đón và đưa về các huyện, thị, TP trong tỉnh một cách an toàn.

Hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu hiện đều trong tình trạng quá tải nơi cách ly tập trung. Hai tỉnh này tận dụng hệ thống trường học để người dân ở tạm và tiến hành phân loại để cách ly tại nhà hoặc đưa đi cách ly tập trung, theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, về tỉ lệ người được cách ly tại nhà bao nhiêu trong số người về vẫn chưa thống kê được.

Riêng tỉnh Bến Tre, sau khi tiếp nhận khoảng 3.500 người dân về tự phát, hiện tỉnh lên phương án chuẩn bị 5.500 chỗ cách ly tập trung để dự phòng trường hợp người dân tiếp tục đổ dồn về quê trong các ngày tới.

Kiên Giang cho dân cách ly tại nhà

Đến chiều 3-10, tỉnh Kiên Giang đã đón trên 10.000 người về quê. Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, cho biết đã chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt lập danh sách đưa bà con về các huyện, TP. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ tổ chức test nhanh, những người có kết quả âm tính thì đưa về cách ly tại nhà…

Theo kế hoạch, hôm nay (5-10), Kiên Giang tổ chức đoàn đón khoảng 500 người dân từ TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về quê, những người được đón về chủ yếu là thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người bệnh xuất viện chưa kịp về địa phương. 

Đã tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ cách ly ba ngày

Tại Đồng Tháp, hiện tỉnh có hướng dẫn về quy định cách ly đối với từng trường hợp. Cụ thể, người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc đã là F0 (hoàn thành điều trị) thì cách ly y tế tập trung, sau ba ngày thực hiện xét nghiệm PCR âm tính thì cho về cách ly y tế tại nhà để tiếp tục thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định.

Người dân đã tiêm một mũi vaccine, sau bảy ngày cách ly y tế tập trung nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì cho về cách ly y tế tại nhà để tiếp tục thực hiện cách ly đủ 14 ngày theo quy định. Còn người dân chưa được tiêm vaccine thì buộc cách ly y tế tập trung 14 ngày theo quy định.

Trong khi đó, tại An Giang, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh sẽ sàng lọc đối tượng để thực hiện cách ly tại nhà. Cạnh đó, Sở Y tế tỉnh An Giang cũng đã có kế hoạch cho F0 không có triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà.

Chủ tịch tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và qua thân nhân của người lao động, khuyến nghị người dân nên ở lại nơi đang tạm trú để ổn định cuộc sống, được tạo điều kiện tiêm vaccine đủ hai mũi, không di chuyển tự phát về địa phương. Trường hợp có nguyện vọng trở về thì đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ, hướng dẫn, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định. 

Theo thống kê của ngành chức năng, trong số các công dân về quê có gần 90% chưa được tiêm vaccine, nếu không kiểm soát chặt thì nguy cơ bùng dịch là rất cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm