Cần Thơ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 8-9-2021

Ngày 24-8, UBND TP Cần Thơ có Công văn số 3508 về việc tiếp tục thực hiện và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Công văn gửi cho giám đốc sở; Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP; Chủ tịch UBND quận/huyện, xã/phường/thị trấn.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP có ý kến như sau: “Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn TP Cần Thơ từ 0 giờ ngày 25-8-2021 đến 0 giờ ngày 8-9-2021”.

Cần Thơ tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 đến ngày 8-9-2021. Ảnh: NHẪN NAM

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 ngày 1-8-2021 của Chủ tịch UBND TP; Tăng cường một số biện pháp để thực hiện hiệu quả giãn cách xã hội. Cụ thể, mỗi hộ gia đình chỉ cử đại diện một người ra khỏi nơi ở để mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày và không quá hai ngày/tuần.

Người đi ra ngoài mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu phải xuất trình các văn bản, giấy tờ sau (khi được cơ quan chức năng kiểm tra):

+Giấy tờ tùy thân (một trong các giấy CMND/CCCD, hộ hiếu…).

+Phiếu mua, nhận hàng hóa/Giấy mua, nhận lương thực, thực phẩm thiết yếu do UBND cấp xã cấp (các giấy tờ đã được cấp trước đây còn phù hợp thì tiếp tục sử dụng).

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị nhà nước và người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… ngoài nhà nước đang được phép hoạt động, chỉ được di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại trong khoảng thời gian sau: buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, buổi chiều từ 17 giờ đến 19 giờ, đồng thời phải xuất trình các văn bản, giấy tờ (khi được kiểm kiểm tra) theo mục 1 Công văn số 3056 (ngày 23-8) của Văn phòng UBND TP.

Người dân ở Cần Thơ đi qua các chốt kiểm soát phải trình giấy đi đường theo quy định. Ảnh: NAM GIAO

Các quy định đối với người đi mua lương thực, người đi làm như nêu trên không áp dụng cho trường hợp:

+Cấp cứu về y tế, thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, tang lễ; lực lượng tham gia phòng chống dịch; người đi tiêm vaccine có tin nhắn báo hoặc giấy mời tiêm.

+Người vận chuyển hàng hóa với mục đích từ thiện giao cho các khu cách ly tập trung, phong tỏa; cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn cho các doanh nghiệp đang thực hiện phương án sản xuất 3 tại chỗ.

+Nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đang tác nghiệp liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; người thực hiện phát hành thư báo; công nhân làm vệ sinh môi trường, thực hiện sửa chữa, bảo trì công trình đô thị; nhân viên đi xử lý sự cố về điện nước, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật.

+Các tình huống khẩn cấp khác.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang được phép hoạt động như xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, công chứng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa… phải tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho người lao động ít nhất 3 ngày/lần; bố trí nhân sự làm việc theo ca luân phiên, duy trì hoạt động với công suất hợp lý để cung cung ứng kịp thời các dịch vụ cần thiết; khuyến khích các đơn vị áp dụng phương thức hoạt động 3 tại chỗ để phòng tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan.

“Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 25-8 cho đến khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP. Các lực lượng chức năng tuyệt đối không tự ý đặt ra các loại giấy tờ, thủ tục trái với quy định pháp luật và công văn này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ” – Công văn 3508 nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm