Chia di sản thừa kế không đúng, phải xử lại

Theo hồ sơ, ông Thuận khởi kiện đòi chia thừa kế di sản của cha mẹ là mảnh đất 445 m2 mà ông Chuyền đang quản lý, sử dụng. Ông Chuyền thì bảo đất này là của ông do mẹ để lại chứ không phải là di sản thừa kế của ông Thuận.

Xử sơ thẩm lần một, TAND TP Hà Nội nhận định đất là di sản thừa kế và quyết định chia thừa kế theo pháp luật. Bản án sau đó đã bị cấp phúc thẩm hủy do chưa thu thập tài liệu để làm rõ quá trình quản lý, sử dụng đất, người đứng tên kê khai đất qua các thời kỳ.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Hà Nội cũng quyết định chấp nhận đơn yêu cầu chia thừa kế của ông Thuận. Cấp phúc thẩm sau đó đã y án sơ thẩm.

Tại phiên giám đốc thẩm vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định ngày 27-12-1995, tại buổi hòa giải của thanh tra huyện, ông Thuận thừa nhận phần đất trên là của ông Chuyền. Mặt khác, phía ông Chuyền đã được ghi tên vào sổ địa chính. Ông Chuyền cũng đã đồng ý cắt một phần đất giao cho ông Thuận xây nhà thờ họ. Đồng thời, ngày 16-1-1996, ông Thuận và các đồng thừa kế khác đã cam kết: Sau khi ông Thuận đứng ra làm nhà thờ cúng các cụ rồi thì chúng tôi đều xin cam kết là không ai còn đòi hỏi gì với vợ chồng cháu Chuyền nữa. Sau đó, chủ tịch huyện đã quyết định giao đất cho ông Thuận, chính quyền địa phương đã thực hiện quyết định này.

Như vậy cam kết này và thỏa thuận tại biên bản hòa giải trước đó của ông Thuận, ông Chuyền và các đồng thừa kế đã được xác lập tự nguyện và không trái pháp luật, điều kiện của cam kết đã được thực hiện xong. Điều 7 BLDS 1995 và Điều 4 BLDS 2005 quy định “cam kết của các bên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên” nên việc các cấp tòa chia thừa kế di sản trong khi quyết định của chủ tịch huyện đã có hiệu lực là không đúng...

Do đó tuyên hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm để TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm