Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT: Kẹt xe, kẹt vốn, kẹt... tầm nhìn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành cả ngày 24-4 để nghe báo cáo giám sát và chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng về nhiều vấn đề của ngành giao thông. Nhưng một ngày dường như vẫn chưa đủ để nói hết những vấn đề “bức xúc, nóng bỏng và thách thức bậc nhất” như lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bộc bạch.

Mũ dỏm tràn ngập thị trường

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) hỏi: “Cử tri nghiêm chỉnh đội mũ bảo hiểm nhưng thị trường có 70%-80% mũ kém chất lượng, ai phải chịu trách nhiệm về điều này? Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý thế nào?”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời: “Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn kỹ thuật là Bộ Khoa học và Công nghệ, quản lý về sản xuất sản phẩm công nghiệp là Bộ Công thương. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ có trách nhiệm phối hợp... Quan điểm của tôi là phải tăng cường kiểm tra để xử lý nghiêm”.

Được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu lý giải vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: Qua chín đợt kiểm tra, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận 125 cơ sở sản xuất đạt chất lượng, 19 cơ sở không đạt chất lượng, 19% số mũ được sản xuất không đảm bảo chất lượng. Nhưng kiểm tra thực trên thị trường thì có đến 63% mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm.

Bà Bạch Mai bình luận: “Chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả tuyến đường của Chính phủ ra đời quá vội vàng. Sao chưa đủ khả năng sản xuất, kiểm soát mũ bảo hiểm đáp ứng chất lượng lại bắt dân phải đội?”.

20 năm nữa mới hết ùn tắc

Lý giải về nạn ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Dũng nêu một nguyên nhân “lúc nào cũng đúng” là do tăng đột biến số lượng phương tiện và hạ tầng kém. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng nếu cứ nói thế thì năm này nói cũng được, mấy năm nữa nói cũng được. “Nếu không đi vào từng vụ việc cụ thể mà gỡ, cứ trả lời dàn trải thì không những cử tri nản mà chính chúng ta là người trong cuộc cũng nản” - ông Thuận nhấn mạnh.

Để chống ùn tắc giao thông, ông Dũng cho rằng vấn đề căn bản là phải hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Lập luận này lập tức bị đại biểu Trần Thị Kim Phượng (Hà Tây) chất vấn qua điện thoại: “Nếu hạn chế thì phương tiện công cộng liệu có đủ để đáp ứng?”.

Ông Dũng trả lời, hạn chế xe cá nhân không thể một sớm một chiều. Muốn giảm phương tiện cá nhân phải tăng phương tiện công cộng. Hiện cả nước có gần 6.000 xe buýt, đáp ứng 10% nhu cầu đi lại ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Nhưng phát triển xe buýt hết cỡ cũng chỉ đáp ứng 20%-25% nhu cầu đi lại. Do vậy, ngoài xe buýt phải đầu tư các tuyến metro, đường trên cao... “Cố gắng thì phải 15-20 năm nữa mới có đủ hạ tầng, phương tiện công cộng để thu hút người dân sử dụng và giảm nạn ùn tắc” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thừa nhận khuyết điểm

Đối với vấn đề cấm xe lôi, xe ba bánh tự chế, ông Dũng cho biết quan điểm là cấm, chỉ những xe được đăng ký, đăng kiểm mới được lưu hành. Vừa rồi lỡ nhập xe ba bánh của Trung Quốc, Chính phủ cho phép đăng ký và lưu hành số lượng đã nhập, không cho nhập mới nữa. “Chúng ta đã có bài học xe hai bánh, khi thế giới cấm rồi thì xe hai bánh tràn ngập vào nước ta và bây giờ chúng ta đang phải gánh hậu quả. Xu hướng thế giới bây giờ không dùng xe ba bánh nữa, nếu ta lại thả cửa cho dùng thì hậu quả sẽ không lường trước được” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, trước câu hỏi rằng Chính phủ có tính toán đến việc mưu sinh của dân khi bị cấm mà chưa kịp chuyển đổi nghề, ông Dũng thừa nhận đây là khuyết điểm nhưng đã sửa bằng việc cho giãn lộ trình.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: Phải làm gì đối với hiện trạng đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều công trình “nham nhở, nhôi nhai”: có nhiều nơi có cầu rồi mà không có đường hoặc có đường to rồi mà cầu nhỏ làm xuất hiện nhiều điểm “nút cổ chai”. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải thích: Thường các dự án đường dài chủ yếu sử dụng vốn ODA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)... Ví dụ WB tài trợ vốn làm đường còn một tổ chức khác tài trợ cầu, khi đàm phán rất khó khớp các dự án này với nhau. Nếu có đủ tiền ngân sách mà làm thì không lệch pha như thế. Còn một nguyên nhân nữa là có nhiều dự án khi đấu thầu thì nhà thầu có đủ điều kiện nhưng khi thực hiện thì thấy năng lực yếu, không có vốn, tổ chức đấu thầu lại thì lại mất rất nhiều thời gian...

Báo cáo việc xử lý ông Nguyễn Việt Tiến trong tháng này

Chiều qua, bên hành lang phiên họp UBTVQH, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trao đổi với báo chí về việc xử lý trường hợp nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến sau khi VKSND tối cao miễn truy tố hình sự và đề nghị xử lý hành chính đối với ông này. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết ông Tiến đã gặp Bộ trưởng để đề đạt nguyện vọng. “Tuy nhiên, tôi chỉ nghe để nắm nguyện vọng của anh Tiến chứ chưa có hướng xử lý cụ thể nào”.

Trả lời câu hỏi bao giờ thì có kết quả xử lý, Bộ trưởng Dũng cho biết: “Theo quy trình, chúng tôi phải kiểm điểm, xem xét mức độ sai phạm của anh Tiến. Nếu đi làm trở lại thì công việc, chức vụ của anh ấy là gì. Trong tháng 4 tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về trường hợp này. Anh Tiến vẫn thuộc diện Ban Bí thư quản lý”.

Ông Trần Du Lịch, đại biểu QH TP.HCM:

Đội mũ mà té vỡ đầu, dân kêu ai?

Giải pháp đưa ra cho nạn kẹt xe là hạn chế xe cá nhân. Tôi muốn hỏi là cấm xe máy thì dân đi bằng xe gì? Cấm xe lôi thì trong các hẻm nhỏ của TP dân dùng phương tiện gì để chở hàng? Cử tri nói rằng nhà nước phải xây xong mới chống, đừng có ra lệnh chống mà chưa biết xây thế nào. Dân thắc mắc đội mũ bảo hiểm rồi mà té vẫn bể đầu thì trách nhiệm thuộc về ai? 99% người đi xe đội mũ bảo hiểm đã làm tròn trách nhiệm của mình, vậy thì trách nhiệm nhà nước trong việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm ở đâu?

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH:

Có đường mà xe không đi

Chúng ta đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng làm con đường Hồ Chí Minh, gọi nó là đường công nghiệp hóa, mà làm xong lại vắng bóng xe do thiếu các đường nhánh, đường nối, trạm trung chuyển. Tại sao lại lãng phí thế? Ai có trách nhiệm trong việc này? Cầu Thanh Trì (bắc qua sông Hồng ở Hà Nội) tốn hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư, đến khi thông cầu rồi mà hai đoạn đường dẫn lên đầu cầu làm ba, bốn năm chưa xong. Tại sao một công trình lớn, trọng điểm, cần thiết, huyết mạch như thế mà chậm trễ như vậy?

Ở Hà Nội và TP.HCM ai cũng kêu diện tích dành cho giao thông tỷ lệ thấp bằng 1/10 chuẩn quốc tế. Vậy thì tại sao trong nội thành vẫn mọc lên rất nhiều tòa nhà cao tầng, bệnh viện, trường tư xây mới? Ai đã cấp phép xây dựng những công trình này?

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm