Cơ quan bảo hiến: Xu hướng tất yếu của nhà nước pháp quyền

Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật với Hiến pháp (HP) là “đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất” (Điều 146 HP hiện hành) nên không thể đi ngược giá trị chung đó.

Đảm bảo tính tối thượng của HP

Tính tối thượng của HP là ở chỗ HP phải được thực thi đầy đủ, các văn bản luật và quy phạm pháp luật khác phải thống nhất với HP, nếu trái HP phải bị bãi bỏ; khi có sự mâu thuẫn trong việc ban hành hay áp dụng pháp luật thì phải được hiểu và giải thích theo tinh thần của HP. Các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ HP, không ai có quyền đứng ngoài hoặc đứng trên HP.

Để bảo đảm cho HP được tuân thủ, chống lại những hành vi vi phạm mà ta thường gọi là vi hiến, nhiều nước trên thế giới đã lập ra cơ quan chuyên biệt có trách nhiệm và thẩm quyền thích đáng để bảo vệ HP (như tòa án HP, hội đồng bảo hiến hoặc giao thẩm quyền này cho tòa án các cấp). Theo hiểu biết chưa đầy đủ của tôi thì các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia cũng có cơ quan bảo hiến. Pháp luật từng nước tất nhiên có quy định cụ thể khác nhau về vị trí, vai trò, chức năng của cơ quan bảo hiến.

Cơ quan bảo hiến ở các nước hoạt động độc lập với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thành viên của cơ quan bảo hiến do quốc hội (thượng viện và hạ viện) bầu ra, thường bao gồm các thẩm phán tòa án tối cao, các chính trị gia có tên tuổi, các giáo sư đầu ngành về luật, về khoa học chính trị. Thành viên của cơ quan bảo hiến không được đồng thời là thành viên của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyết định của cơ quan bảo hiến phải là chung quyết, không bị xem xét lại và có hiệu lực tuyệt đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhiều chế định của HP còn bỏ ngỏ

Điều 146 HP hiện hành của nước ta quy định HP là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với HP. Xét từ khía cạnh đảm bảo tính hợp hiến của văn bản pháp luật thì hiện ta có nhiều quy định về vấn đề này. Đồng thời, có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định và kiểm tra trước và sau khi văn bản luật được ban hành, nếu phát hiện văn bản ấy trái với HP và văn bản luật khác (có hiệu lực pháp lý cao hơn) thì đình chỉ và bãi bỏ nó.

Cơ quan bảo hiến: Xu hướng tất yếu của nhà nước pháp quyền ảnh 1

HP hiện hành quy định Quốc hội có quyền giám sát tối cao việc tuân theo HP nhưng rất ít thấy Quốc hội có chuyên đề giám sát thực hiện một nội dung nhất định của HP. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đấy chỉ là việc thẩm tra tính hợp hiến đối với dự thảo văn bản pháp luật đã được soạn thảo, hay văn bản đã được ban hành. Chưa có ở đâu xác định trách nhiệm phát hiện nội dung nào của HP chưa có hiệu lực thực tế, cần ban hành văn bản pháp luật gì để cụ thể hóa HP, hay buộc cơ quan có trách nhiệm này phải ban hành văn bản kia để HP được thực thi hoàn chỉnh. HP hiện hành quy định một số quyền của công dân có kèm điều kiện “theo quy định của pháp luật”, nếu pháp luật chưa quy định thì công dân vẫn phải “nhịn” chưa được hành xử quyền của mình. Nếu pháp luật quy định rộng, hẹp thì quyền công dân cũng theo đó mà dãn, co. Chưa có tổ chức hay cơ quan nào có quyền phán quyết việc Quốc hội phải ban hành luật này, luật kia, để đảm bảo công dân được sử dụng quyền đã được quy định trong HP, mặc dù cử tri, các chuyên gia pháp luật đã nhiều lần lên tiếng về sự cấp thiết phải ban hành những văn bản pháp luật đó.

HP hiện hành quy định Quốc hội có quyền giám sát tối cao việc tuân theo HP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền giải thích HP và giám sát thi hành HP. Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình rất thường xuyên, tuy nhiên rất ít thấy chuyên đề giám sát thực hiện một nội dung nhất định của HP. Chưa nói, đã 20 năm kể từ khi có HP 1992, chưa thấy UBTVQH giải thích HP. Có thể do chưa xảy ra tình huống dẫn đến yêu cầu phải giải thích HP nhưng theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là do pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục, chủ thể nào có quyền yêu cầu, nên nếu có yêu cầu cũng không biết làm thế nào để thực hiện.

Sự cần thiết phải có cơ quan bảo hiến

Về việc đảm bảo quyền công dân, HP và pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang hoặc bất cứ cá nhân nào. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 và sau đó là Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) quy định quyền của cá nhân, tổ chức được khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, việc khởi kiện chỉ đối với quyết định, hành vi hành chính cụ thể, không bao hàm việc công dân hay pháp nhân khởi kiện vì lý do quyền hiến định của họ bị vi phạm. Việc thực hiện quyền tố cáo cũng vậy, thường được hiểu là tố cáo vi phạm một trách nhiệm cụ thể của cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân. Chưa thấy cơ quan nào thụ lý đơn tố cáo hành vi vi phạm HP nói chung.

Rất nhiều chuyên gia đã đề cập đến việc không xem HP là nguồn pháp luật để giải quyết một vụ việc cụ thể. Tôi chưa thấy một quyết định hành chính hay bản án nào viện dẫn HP hay căn cứ vào tinh thần của HP để giải quyết vụ việc cụ thể nếu như còn thiếu quy định pháp luật, hoặc khi áp dụng điều luật cụ thể nhưng còn lấn cấn về đạo lý.

HP khẳng định bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân nhưng khi chưa có Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 thì tòa án hầu như chỉ thụ lý các vụ tranh chấp, không thụ lý yêu cầu của cá nhân, pháp nhân để xác định tình trạng pháp lý, quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ. Không ít trường hợp muốn giải quyết thì người ta phải tạo ra tranh chấp giả.

Như vậy, hệ thống pháp luật hiện tại của chúng ta đã quan tâm đến vấn đề bảo đảm cho HP “có hiệu lực pháp lý cao nhất”. Nhưng thực tiễn chưa minh định hoặc quy định không đầy đủ, rất tản mạn và chưa có cơ chế rõ ràng, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm về đảm bảo tính tối thượng của HP. Vì vậy, việc thiết lập cơ quan bảo hiến là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là thiết chế này cần được hình thành như thế nào, cơ cấu ra sao, phạm vi thẩm quyền đến đâu, hoạt động thế nào… để có hiệu quả, đảm bảo HP thực sự là nền tảng pháp lý vững chắc. Có như thế tinh thần dân chủ, văn minh của HP mới soi rọi được đến mọi hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như mỗi cá nhân trong xã hội, bảo vệ “thần linh pháp quyền” như Hồ Chí Minh từng mong mỏi.

Thẩm quyền của cơ quan bảo hiến

Để xây dựng mô hình cơ quan bảo hiến “phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta” như Nghị quyết Trung ương V khóa 11 đã nêu, theo tôi cơ quan bảo hiến cần có những thẩm quyền sau: giải thích HP; giám sát để đảm bảo tính hợp hiến của các văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hay tham gia; đảm bảo các quyền con người, quyền công dân nêu trong HP được thực hiện đầy đủ, giải quyết các khiếu kiện của công dân đối với hành vi xâm phạm quyền công dân của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; giải quyết những xung đột về thẩm quyền giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa cơ quan trung ương với địa phương.

NGÔ MINH HỒNG Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm