CHÍNH PHỦ HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 7

Không đẩy tăng trưởng bằng mọi giá

Chỉ số hàng hóa tồn kho được cải thiện, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, công nghiệp tăng trưởng ổn định, số doanh nghiệp giải thể giảm trong khi đăng ký mới tăng… Những tín hiệu ấy được đưa ra báo cáo, thảo luận tại ngày làm việc đầu tiên (30-7) của phiên họp thường kỳ Chính phủ (CP).

CPI tăng thấp nhất trong bảy năm qua

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7 có tăng một chút, 0,27% so với tháng trước, đưa CPI bảy tháng lên mức 2,68% - thấp nhất so với cùng kỳ bảy năm qua. Vốn FDI đăng ký mới và thực hiện những tháng gần đây tiếp tục duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước (6,4% và 19,6%) cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của kinh tế VN. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay tổng thu ngân sách tháng này tăng gần 42%, cải thiện một chút những căng thẳng trong cân đối ngân sách.

Một số diễn biến khác cũng cho phép nhiều hy vọng hơn. Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, việc thu mua lúa tạm trữ đến nay được hơn 820.000 tấn, kết hợp với diễn biến giá thế giới, đã hỗ trợ nâng giá lúa khô trong nước lên mức 5.600-6.000 đồng/kg. Ở giá này, trừ đi chi phí, nông dân có thể được lãi 800 đồng/kg.

Không đẩy tăng trưởng bằng mọi giá ảnh 1

Tại phiên họp thường kỳ CP tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương phải quản lý bằng được nguồn thu. Ảnh: VGP

Về phần mình, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay chỉ số hàng tồn kho đã cải thiện khá nhiều, đến mức “giờ không nên nhắc nhiều nữa”. Nhận định này khá khớp với báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, theo đó tồn kho vật liệu xây dựng đang tiếp tục giảm, chẳng hạn tồn kho xi măng chỉ còn 14 tuần sản xuất. Tồn kho bất động sản cũng cải thiện, với giao dịch tăng khá ở phân khúc nhà ở nhỏ tại TP.HCM, Hà Nội…

Tuyệt đối không để tăng nợ xấu

Kết luận phần thảo luận về KT-XH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình chung tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% chưa rõ ràng. “Vừa rồi đã đạt kết quả kiểm soát lạm phát nhưng không vì vậy mà chủ quan. Mặt khác, sốt ruột với tăng trưởng nhưng không tăng trưởng với mọi giá. Phải kiên trì vài ba năm nữa” - Thủ tướng nói.

Từ kết quả ban đầu về kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu kiên định chủ trương đưa những mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá sang vận hành theo cơ chế thị trường. Như xăng dầu, Nghị định 84 thấy cần sửa rồi thì sớm có kiến nghị để CP quyết định, đảm bảo minh bạch, công khai để người dân chia sẻ. Về giá than, giờ cơ bản không còn bao cấp nữa nhưng sẽ gây sức ép lên giá điện. Vì thế cần tính toán, có thể theo hướng tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo - hiện tiêu thụ 20% sản lượng điện, phần còn lại phải tính đúng, đủ theo giá thị trường, đồng thời công khai để dân hiểu.

Trước khó khăn thu ngân sách, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, quản lý bằng được nguồn thu, quyết giữ bội chi ở mức QH cho phép, 4,8%. Về giải pháp nâng tăng trưởng tín dụng, hiện mới đạt 4,9% so với mục tiêu đầu năm đặt ra là 12%, Thủ tướng cho rằng đây là dư địa lớn cần khai thác qua đó tăng tổng cầu trong nước. Tuy nhiên, tuyệt đối không vì thế mà để tăng nợ xấu. Riêng vấn đề tạm trữ 1 triệu tấn lúa, đến ngày 15-8 này là hết hạn, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ NN&PTNT là tiếp tục gia hạn, đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số ý kiến về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loài cây khác có hiệu quả kinh tế hơn, qua đó giảm nhập khẩu, chẳng hạn như ngô, đậu nành (hằng năm vẫn phải nhập 2 tỉ USD phục vụ chăn nuôi).

Hôm nay (31-7), CP tiếp tục họp thảo luận, tập trung vào các dự án luật. Trong số này, đáng chú ý có đề xuất của Bộ Tư pháp về thí điểm kiểm soát chất lượng việc ban hành thông tư của các bộ, ngành.

Tái cơ cấu nông nghiệp là “đại vấn đề”

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện là “đại vấn đề”. Ông nói: “Vừa rồi khảo sát thấy các địa phương có nỗ lực tái cơ cấu sản phẩm nhưng xem giữa các xã, huyện còn rất phân tán, rời rạc. Về Long An, báo cáo làm thanh long lãi lắm, hơn lúa nhiều nên tỉnh quy hoạch chuyển đổi 1.000 ha. Thế nhưng dân tự phát làm tới 2.000 ha. Cứ ào ào, không kiểm soát như thế, đến lúc rớt giá thì làm sao? Cho nên nói tái cơ cấu thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, của bộ, ngành trung ương rất quan trọng”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng thị trường nông sản còn tiếp tục khó khăn, một phần vì các nước thời gian qua tăng cường sản xuất, tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu. Vì vậy, ngành công thương, nông nghiệp cần lưu ý bảo vệ các thị trường mà hàng VN đã chiếm lĩnh, đồng thời sớm phát hiện các yếu tố mới và xử lý kịp thời.

Lấy ví dụ về phân bón, ông yêu cầu quy hoạch chính sách ngành hàng phải linh hoạt. Quy hoạch trước đây là mềm dẻo, theo hướng vừa thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa nhập khẩu để đáp ứng sản xuất trong nước. Nhưng nay các nhà máy phân đạm đã đủ sức phục vụ nội địa, còn có phần để xuất khẩu thì phải chuyển sang quy hoạch cứng, không đầu tư nhà máy mới nữa, đồng thời giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ.

_____________________________________

Bộ Y tế phải rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình về tiêm chủng, phối hợp với cơ quan chức năng trong điều tra, sớm công bố nguyên nhân tai biến dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh do tiêm chủng vừa qua cũng như tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp giảm tình trạng quá tải của bệnh viện.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan cho báo chí, dư luận, đồng thời tiếp thu những phản hồi của dư luận để có điều chỉnh phù hợp, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Hiện đang có tình trạng thiếu vốn cho các dự án giao thông huyết mạch. Dự án có tiền thì lại vướng giải phóng mặt bằng và ngược lại. Nếu không tháo gỡ kịp thời rất khó đẩy mạnh đầu tư, qua đó tăng cầu nội địa, kích thích kinh tế. Chúng ta cần tháo gỡ cơ chế vay vốn cho doanh nghiệp. Bởi hiện tại, doanh nghiệp nào có nợ xấu thì ngân hàng đóng cửa hết, từ chối cả dự án tốt. Tôi nghĩ nên tìm cách khoanh riêng các khoán đầu tư kém hiệu quả lại. Với dự án mới mà tốt, phải cho vay nhưng có cơ chế kiểm soát dòng tiền, không để lợi dụng đổ vào mục đích khác.

Bộ trưởng GTVT ĐINH LA THĂNG

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm