Lạm phát cao, Quốc hội không thể vô can

Đã có 43 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trong ngày 9-5 về các vấn đề kinh tế-xã hội nóng bỏng. Dù hoan nghênh Thủ tướng đã có một bản báo cáo có chất lượng và tự phê bình cao, song các đại biểu vẫn không thỏa mãn khi trách nhiệm của Chính phủ (CP) thiếu địa chỉ. Đặc biệt, nhiều ĐBQH cho rằng QH không thể vô can trước tình trạng lạm phát tăng cao.

Trách nhiệm thiếu địa chỉ

Phần lớn các ý kiến phát biểu đều đòi hỏi CP làm rõ trách nhiệm cá nhân trong nhóm nguyên nhân chủ quan làm lạm phát tăng cao. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 của ta tăng 12,63% thì Malaysia 2,5%, Thái Lan 4,2% và Philippines 4,9%. Có so sánh như thế mới thấy nguyên nhân chủ quan là do chỉ đạo, điều hành. Báo cáo của CP rất tiếc chưa chỉ rõ cá nhân, tập thể, bộ, ngành nào phải chịu trách nhiệm chính về những yếu kém đó để tìm cách khắc phục.

GS Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) gay gắt: Rất nhiều cử tri muốn CP phải làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể. Ví dụ: Hệ thống ngân hàng của chúng ta có vấn đề, lãi suất tăng, giảm lung tung thì Thống đốc Nguyễn Văn Giàu phải chịu trách nhiệm thế nào? Gạo sốt đến 20.000 đồng/kg thì trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương hay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp? Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) so sánh: Nếu dự báo thời tiết sai, cán bộ các trung tâm dự báo sẽ bị kỷ luật nhưng dự báo giá cả sai thì thật khó tìm địa chỉ để xử lý!

Thiếu thông tin + Bấm nút = Vô trách nhiệm

Lần đầu tiên các ĐBQH yêu cầu chính QH nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm. GS Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói: Cử tri cũng đòi hỏi QH, Ủy ban Thẩm tra của QH và mỗi ĐBQH phải tự nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm của mình về việc tham gia biểu quyết những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không sát với thực tế.

GS Thuyết chứng minh: Vào kỳ họp QH cuối năm 2007, lúc đó kinh tế Mỹ đã suy thoái, giá dầu thế giới đã lên đến 90 đôla/thùng nhưng CP vẫn trình 61 đôla/thùng. Nhiều người trong QH không đồng tình, sau một hồi bàn cãi, cuối cùng đi đến kết luận 62 đôla/thùng, tăng 1 đôla/thùng so với tờ trình của CP. Ví dụ này cho thấy dự báo, cung cấp thông tin của phía CP không sát, Ủy ban Thẩm tra làm việc không đến nơi đến chốn, các ĐBQH quá tin vào cơ quan trình, quá tin vào Ủy ban Thẩm tra. “Nếu tình hình này tái diễn, QH sẽ tiếp tục có những biểu quyết không đúng” - GS Thuyết dự đoán.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiến (Sóc Trăng) đứng lên nhận lỗi: Bản thân tôi là thành viên Ủy ban Kinh tế, xin nhận là chưa hoàn thành trách nhiệm. Khi QH họp vào cuối năm 2007, tôi cũng đã báo cáo rằng đã có những dấu hiệu sức ép tăng giá nhưng lúc đó chúng ta say sưa với thành tích tăng trưởng, không phân tích kỹ nên cứ ấn nút thông qua chỉ tiêu mà CP đề nghị.

GS Thuyết lưu ý: Kỳ họp này sẽ bàn đến chuyện quan trọng như mở rộng thủ đô Hà Nội, đề nghị các ĐBQH phát huy trách nhiệm cá nhân, tránh tình trạng nghĩ rằng có ai đó đang nghĩ hộ, lo hộ mình và cứ thế biểu quyết. Nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lên tiếng: Những chỉ tiêu tuy do CP đề nghị nhưng QH là người quyết định. Việc không thực hiện được một phần là trách nhiệm của CP nhưng trách nhiệm của QH còn cao hơn. Khi chúng ta ở nhiều ngành khác nhau, không chuyên trách, những văn bản dự án, đề án được đưa đến, tôi không nói sơ lược mà chúng ta không có đủ thời gian để thẩm định, chưa có cơ hội hỏi cử tri thì sự bấm nút của chúng ta là vô trách nhiệm.

Lúng túng chuyện điều chỉnh chỉ tiêu

Trước đề xuất của CP xin điều chỉnh GDP xuống còn 7% và cố gắng hạn chế chỉ số tăng giá CPI, các ĐBQH tỏ ra lúng túng trong thảo luận. Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng không nên điều chỉnh các chỉ tiêu này vì tăng trưởng kinh tế năm 2008 chính là hệ quả đầu tư của 5-7 năm trước chứ không phải chỉ của hiện tại.

Ngược lại, TS Trần Du Lịch (TP.HCM) ủng hộ việc cần phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng. Theo ông Lịch, với các biện pháp chống lạm phát, đặc biệt là về tiền tệ và tài chính, giống như đang dùng kháng sinh liều cao thì chắc chắn cơ thể không thể béo tốt được và tự nó sẽ giảm sút. Do đó, có điều chỉnh hay không điều chỉnh thì GDP cũng sẽ giảm sút. Với chỉ số CPI, ông Lịch quan niệm không thể nói 15%, 17% hay 18% vì tình hình thế giới còn rất phức tạp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng ít nhất CPI năm nay phải từ 18% đến 20% và “chúng ta phải công khai với dân con số này để dân chia sẻ”.

GS Nguyễn Ngọc Đào nhận xét GDP là 7%, 8% hay 6% thì đại biểu cũng làm gì có thông tin. “Tôi đề nghị chúng ta hãy tin CP và sẽ kiểm định lại điều này ở kỳ họp cuối năm” - ông Đào nói.

Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng không đưa ra con số cụ thể mà chỉ kết luận: QH chấp thuận mục tiêu giữ vững kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):

Ngừng vô thời hạn lệnh cấm xe ba gác ở nông thôn

Đề nghị CP ngừng vô thời hạn lệnh cấm xe thô sơ, xe ba gác, xe lôi ở những địa bàn nông thôn. Tôi đánh giá cao xe lôi và những xe thô sơ. Đó là một trong những sáng kiến của người dân và đã tồn tại mấy chục năm nay. Cho rằng những xe đó gây tai nạn nhiều hơn những phương tiện khác là không thuyết phục vì nếu có tai nạn xảy ra hoàn toàn do quản lý kém, ý thức kém chứ không phải do bản thân những chiếc xe đó.

Ở các tỉnh miền Nam, rất khó thay đổi chiếc xe nào khác tốt hơn để đi vào những vùng sâu, vùng xa, vận chuyển phân bón, nông sản cho nông dân với giá thành thấp và hiệu quả như vậy. Vừa rồi thay thế bằng xe Trung Quốc đã không đạt mà thay thế bằng xe tải nhẹ thì dân không lo nổi, hơn nữa cũng tăng đầu tư lên, tăng giá thành lên.

Nên dừng thí điểm mô hình tập đoàn

Thảo luận về kinh tế-xã hội, ngày 9-5, nhiều ĐBQH yêu cầu CP nghiêm túc kiểm soát hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, không để những doanh nghiệp (DN) này sa đà vào các lĩnh vực bên ngoài như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn (ảnh) nói: Nguyên tắc thị trường không cấm DN hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng tập đoàn kinh tế thì khác, ở đó vốn ngân sách đầu tư cho DN để cầm cương một vài lĩnh vực then chốt. Do vậy, chức năng đầu tiên của tập đoàn là hoạt động cho tốt trong lĩnh vực chính của mình.

. Theo ông, mô hình tập đoàn hiện nay đang vấp phải những vấn đề gì?

Lạm phát cao, Quốc hội không thể vô can ảnh 1+ Các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay phạm hai sai lầm. Thứ nhất, đầu tư dàn trải sang các lĩnh vực khác mà không tập trung vào lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của mình. Như vậy sẽ hạ thấp hiệu quả khai thác nguồn lực mà nhà nước tập trung cho tập đoàn. Thứ hai, sai lầm về mặt quản trị, đầu tư vào những lĩnh vực không có khả năng, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà không thấy nguy cơ rủi ro rất lớn. Tập đoàn còn tham gia đầu tư chéo vào các lĩnh vực của nhau. Đây là điều hết sức cấm kỵ. Các nước cũng có tập đoàn, cũng đa dạng hóa đầu tư. Nhưng tập đoàn ở ta không làm vậy mà là lập ra những công ty tài chính, ngân hàng trực thuộc để phục vụ lại chính mình.

. Có ý kiến cho rằng một số tập đoàn (Than-Khoáng sản, Dầu khí) vừa hoạt động với tư cách DN, vừa có tính chất quản lý nhà nước dẫn tới “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông nghĩ sao?

+ Một số ĐBQH có nhận xét như vậy. Tập đoàn Dầu khí chẳng hạn, được giao độc quyền thăm dò, khai thác dầu khí. Độc quyền đó cần được hiểu là nguồn lực lớn giao cho DN để hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. Thế nhưng tập đoàn lại đầu tư, thành lập cả ngân hàng và tham gia các lĩnh vực khác nữa.

. Có thể hiểu là mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đang đối mặt với thất bại?

+ Gây dựng được những tập đoàn mạnh, có sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế; đa dạng hóa đầu tư là hướng đi đúng. Nhưng mô hình, quản trị ra sao, cấu trúc tổ chức thế nào thì phải bàn.

. QH đã có ý kiến chính thức với CP về việc cần tạm dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước chưa?

+ Ủy ban Kinh tế của QH và nhiều đại biểu chia sẻ quan điểm này. Báo cáo trình QH của chúng tôi cũng đề cập tới vấn đề này.

. Xin cảm ơn ông!

NGHĨA NHÂN thực hiện

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm