Ngày Môi trường thế giới: Cảnh sát môi trường vẫn bị “trói tay”

“Ở nước ta, ta chưa bỏ tù được ai về tội gây ô nhiễm môi trường. Các vi phạm về gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất, làm lây lan dịch bệnh cho đến nay chưa vụ nào bị khởi tố”. Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (ảnh) chỉ ra bức xúc của ngành khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân ngày Môi trường (5-6).

Thiếu hướng dẫn, chưa có thực quyền

. Việc chưa có vụ vi phạm môi trường nào bị xử lý hình sự khiến nhiều doanh nghiệp coi thường pháp luật. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

Ngày Môi trường thế giới: Cảnh sát môi trường vẫn bị “trói tay” ảnh 1
+ Là do chưa có hướng dẫn cụ thể. Mặc dù chương XVII Bộ luật Hình sự năm 1999, các tội phạm về môi trường đã được sửa đổi nhưng mới chỉ có tội hủy hoại rừng và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là có hướng dẫn. Các tội còn lại, khái niệm “ô nhiễm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”… chưa được giải thích cụ thể. Vì vậy, rất khó cho việc định tội danh và xét xử.

Trước đây, các tội “gây ô nhiễm…” ở Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng lâm vào cảnh chờ đến 10 năm mà chưa có văn bản hướng dẫn.

. Ngoài cái khó trên, cảnh sát môi trường còn đang bị “trói tay”?

+ Đã có quy định cảnh sát môi trường được quyền khởi tố vụ án. Nhưng hiện cảnh sát môi trường chưa là phó thủ trưởng cơ quan điều tra nên chưa thể khởi tố vụ án. Vì vậy, thời gian qua các vi phạm về môi trường được phát hiện đều được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố.

Cùng với đó, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự sửa đổi có quy định cảnh sát môi trường được giao một số nhiệm vụ về điều tra nhưng đến giờ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Những vướng mắc này chúng tôi đã phản ánh rất nhiều. Nếu càng để chậm thì việc xử lý càng khó khăn, dẫn đến hiệu quả điều tra, tính răn đe của luật hình sự bị giảm rõ rệt.

Xử lý hình sự pháp nhân: Vẫn nan giải

. Muốn khởi tố người gây ô nhiễm môi trường cũng không dễ, vì người vi phạm thường là doanh nghiệp?

+ Ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm môi trường không chỉ do các cá nhân mà còn do tổ chức thực hiện. Điều này đối với tội phạm môi trường mang tính phổ biến. Các hành vi xâm hại môi trường của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam chỉ bị xử lý bằng các biện pháp khác (phạt tiền) mà không thể xử lý bằng các biện pháp hình sự. Do đó, tính cưỡng chế không cao, việc giải quyết các vi phạm không triệt để.

Ngày Môi trường thế giới: Cảnh sát môi trường vẫn bị “trói tay” ảnh 2

Cán bộ cục cảnh sát môi trường kiểm tra một đường ống xả thải của Vedan. Ảnh: THANH NHÃ

Từ khi thành lập đến nay, cảnh sát môi trường đã phát hiện, điều tra hơn 5.600 vụ vi phạm, xử lý trên 6.000 cá nhân và tổ chức, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp khởi tố gần 100 vụ, chủ yếu là các vụ vi phạm về phá hoại rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Qua nghiên cứu, tham khảo luật hình sự của một số quốc gia trên thế giới, tôi cho rằng Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi theo hướng quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và cá nhân.

Thực tế cho thấy mức xử phạt hành chính tối đa là 500 triệu đồng, không lớn so với việc doanh nghiệp trốn được chi phí cho việc xử lý chất thải. Ví dụ, ở Công ty Vedan, theo tính toán của chúng tôi, chi phí cho xử lý chất thải mỗi năm ở đây tới hàng trăm tỉ đồng.

. Hướng điều tra và xử lý đối với vi phạm về môi trường trong thời gian tới, thưa ông?

- Lực lượng cảnh sát môi trường sẽ tập trung xử lý các vụ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. “Tầm ngắm” là các công ty, nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao, nhất là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất xi măng, sắt thép, than, điện, nhập khẩu phế thải, xử lý chất thải ở khu công nghiệp.

. Xin cảm ơn ông.

- Tháng 9-2008, Công ty Vedan ở Đồng Nai đã bị Cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang đang xả trộm nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải. Việc xả trộm này được thực hiện qua hệ thống đường ống ngầm bí mật được chôn sâu dưới đất. Sau đó, Vedan chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 267 triệu đồng và bị truy thu phí bảo vệ môi trường trên 127 tỉ đồng.

Việc xả thải trộm của công ty này được tiến hành từ năm 1994. Năm 2005, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã hai lần xử phạt hành chính đối với Vedan. Nhưng khi dư luận đòi xử lý hình sự Vedan thì các cơ quan chức năng đành… bó tay vì luật không quy định “bỏ tù” pháp nhân.

- Tháng 4-2010, Cục Cảnh sát môi trường bắt quả tang Công ty Tung Kuang ở Hải Dương xả nước thải chưa qua xử lý. Việc xả thải trộm của Tung Kuang được thực hiện thông qua hệ thống đường ống ngầm đi sâu dưới lòng đất, bằng mắt thường không thể phát hiện. Hệ thống này thường xuyên thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại như chrome 6 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép, mangan, sắt... đều có nồng độ vượt quy định. năm 2008, Tung Kuang đã bị thanh tra Bộ TN&MT xử phạt với số tiền  trên 100 triệu đồng.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm