Phân cấp cho địa phương: Đang vượt tầm kiểm soát

Các tỉnh đua nhau xây dựng cơ sở hạ tầng đắt tiền nhằm khẳng định uy tín với các nhà đầu tư nhưng lại nhận được kết quả ngược lại, cơ sở hạ tầng đó không được sử dụng hết công suất”. Đó là nhận định của phần lớn các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan chính quyền khi được nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu phát triển Vương quốc Anh (IDS) hỏi về vấn đề phân cấp tại Việt Nam hiện nay. Đây cũng là một phần kết luận trong báo cáo “Động lực cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam” nghiên cứu tại bốn tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và Cà Mau được công bố vào sáng 5-7.

Theo kết quả khảo sát, mặc dù nhiều người thừa nhận quá trình phân cấp của Việt Nam diễn ra thành công nhưng lại không quên nhấn mạnh một số vấn đề do việc phân cấp gây ra. “Thậm chí một số người còn nhấn mạnh quá trình phân cấp ở Việt Nam đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Họ còn ví dụ, như nhờ có quá trình phân cấp mà giờ đây bộ mặt nông nghiệp Việt Nam có “14 lỗ” do các cánh đồng lúa bị phá hủy để chuyển thành sân gôn” - TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI kể.

Theo bà Hằng, mặc dù vấn đề liệu quá trình phân cấp có đi quá xa hay không nằm ngoài chương trình của nghiên cứu này nhưng rõ ràng vấn đề đầu tư lãng phí đang tồn tại. Các dấu hiệu dễ nhận biết nhất là nhiều dự án xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép, điện, sân gôn, các dự án bất động sản… được khởi công nhưng không mấy dự án hiệu quả.

Trả lời về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng việc phân cấp của Việt Nam hiện nay chưa phải là tự quản địa phương. Có ba điều quan trọng trong phân cấp cần chú ý. “Đó là sự phối hợp, điều hòa giữa trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau để tránh tình trạng các địa phương chỉ có cạnh tranh mà không có phối hợp. Thêm vào đó, một nền kinh tế là một cơ thể thống nhất, vì vậy phải công khai minh bạch thông tin để có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, cần phải xác định được động lực của phân cấp là gì? Trung ương do địa phương bầu nên trung ương phải có sự thỏa hiệp với địa phương. Tất cả dự án bến cảng, sân bay… đều do trung ương quyết nhưng cái quyền quyết ấy phải dựa vào điều gì chứ dựa vào phiếu bầu của địa phương thì đó là vấn đề hiện nay chưa được giải quyết rõ ràng trong hệ thống của chúng ta” - TS Lê Đăng Doanh phân tích.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm