QH lấy phiếu tín nhiệm: Thận trọng, công tâm, chính xác

Sau mấy tháng chuẩn bị, chiều 10-6, tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, các đại biểu (ĐB) đã tiến hành thủ tục lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh nhà nước được QH bầu, phê chuẩn từ kỳ họp thứ nhất. Như vậy, nằm ngoài cuộc lấy phiếu tín nhiệm này có ông Vương Đình Huệ, vừa được QH phê chuẩn miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Tài chính để chuyên tâm làm trưởng Ban Kinh tế Trung ương theo điều động của Bộ Chính trị; ông Đinh Tiến Dũng - được QH phê chuẩn miễn nhiệm chức danh tổng Kiểm toán để chuyển sang làm bộ trưởng Tài chính và ông Nguyễn Hữu Vạn - Bí thư tỉnh Lào Cai vừa được QH bầu làm tổng Kiểm toán.

Đây là việc rất hệ trọng

Những người nằm trong danh sách lấy phiếu được chia thành 10 nhóm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, các ủy viên Thường vụ QH, Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của CP, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao.

Tương ứng với các nhóm là 10 lá phiếu có màu sắc khác nhau để dễ phân biệt trong quá trình kiểm phiếu. Tên người, chức danh trong mỗi lá phiếu sẽ kèm theo ba cột để ĐBQH đánh giá ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

QH lấy phiếu tín nhiệm: Thận trọng, công tâm, chính xác ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Trước đó, báo cáo về việc triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 35 của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ dựa trên kết quả công tác năm 2012 của chức danh được bầu. “Đây là việc rất hệ trọng, đông đảo cử tri đang theo dõi và có ý xem QH làm việc thế nào. Đề nghị QH cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm và đặc biệt là chính xác qua lá phiếu” - ông nói và cũng cho biết mình “hồi hộp chờ đợi kết quả xem QH đánh giá mình thế nào để còn phấn đấu”.

Cũng theo chủ tịch QH, có bốn căn cứ để đánh giá tín nhiệm. Thứ nhất, căn cứ báo cáo tự đánh giá của các vị được lấy phiếu. Báo cáo này đã được làm đúng theo quy định của QH gửi tới các vị ĐB để nghiên cứu. Thứ hai, căn cứ rất quan trọng là tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Từ đó soi trở lại bộ máy nhà nước nói chung và các vị được lấy phiếu. Từ tình hình này nói lên nỗ lực và những yếu kém tồn tại chưa khắc phục được.

Thứ ba, căn cứ kết quả hoạt động của QH thông qua chức năng nhiệm vụ của mình để nghe, xem xét, quyết định qua tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, báo cáo giải trình. Thứ tư, căn cứ quan trọng nhất là đánh giá của bản thân mỗi ĐBQH, đảm bảo khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử. Sự công tâm khách quan sẽ quyết định chất lượng hoạt động hệ trọng này.

Cân nhắc những khó khăn khách quan

Cũng chuẩn bị cho phút giây bỏ phiếu, sáng cùng ngày, các đoàn ĐBQH đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ thảo luận các vấn đề liên quan. Thông tin từ các phòng họp cho thấy một số ý kiến cho rằng việc QH quyết định nhân sự tổng Kiểm toán, bộ trưởng Tài chính và phiên chất vấn nên thực hiện trước thủ tục lấy phiếu tín nhiệm. Một số khác băn khoăn rằng bầu cử, phê chuẩn ở QH không có tranh cử, người ứng cử không có chương trình hành động và cam kết nếu trúng cử. Chưa kể, báo cáo công tác của 47 chức danh còn thiếu thống nhất về hình thức và bố cục trình bày. Do đó, ĐBQH khó đánh giá chính xác được mức độ tính nhiệm với từng chức danh...

Tổng hợp các ý kiến trên đã được Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, giải trình. Theo đó, có những kiến nghị là xác đáng nhưng đây là lần đầu tiên triển khai lấy phiếu tín nhiệm nên không tránh khỏi thiếu sót. Báo cáo cũng cho biết trước phiên lấy phiếu, các ĐBQH có quyền yêu cầu đối tượng báo cáo giải trình thêm. Tuy nhiên, chỉ có một ĐB thực hiện quyền này và người được yêu cầu đã đáp ứng đúng quy định.

Ngoài ra, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các ĐBQH trước khi bỏ phiếu cần cân nhắc kỹ lưỡng. “Tình hình kinh tế-xã hội diễn biến khó khăn, phức tạp ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là khó khăn khách quan chung của tình hình thế giới và trong nước, do đó việc đánh giá cần có sự cân nhắc kỹ, gắn với tình hình thực tiễn, khó khăn khách quan và sự chuyển biến của tình hình trong thời gian qua” - ông nói.

Sáng nay, công bố kết quả lấy phiếu

Hôm nay (11-6), Trưởng ban Kiểm phiếu - ông Đỗ Văn Chiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - sẽ công bố chi tiết kết quả cuộc lấy phiếu tín nhiệm lịch sử này. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, cũng là người phát ngôn của QH, khẳng định kết quả sẽ được công bố đầy đủ với báo chí.

Theo nghị quyết của QH, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

Nếu bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm mà có quá nửa tổng số ĐBQH bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì người đó sẽ bị xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm