Sẽ “siết” việc cấp phép khai thác khoáng sản

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về “lời nguyền tài nguyên” đối với Việt Nam. Bên hành lang QH ngày 28-5, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) - dự kiến được trình QH lần đầu vào ngày 2-6 tới, đã trả lời báo giới về vấn đề này.

Phân cấp không rõ ràng

. Phóng viên: Tình trạng cấp phép dễ dãi, tràn lan đã khiến cho tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, thất thoát có nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Sẽ “siết” việc cấp phép khai thác khoáng sản ảnh 1
+ Ông Hà Văn Hiền: Quy hoạch khai khoáng và phân cấp hiện nay chưa tốt. Theo luật hiện hành, địa phương được quy hoạch, cấp phép ngoài vùng quy hoạch của trung ương (TƯ). Trong khi, nhà nước chưa làm quy hoạch hết, từ đó địa phương thấy TƯ chưa quy hoạch nên tự quy hoạch và cấp phép.

Phân cấp giữa địa phương và TƯ không rõ ràng, dẫn đến việc cấp giấy phép dễ dãi. Có chỗ không nên cấp thì lại cấp, hoặc cấp cho doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực khai thác. Do vậy, có DN được cấp mỏ rồi, không tổ chức khai thác mà bán giấy phép qua mấy lần DN khác.

. Mấu chốt xuất phát từ việc chúng ta thiếu quy hoạch về khai thác khoáng sản?

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được giao quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản nhưng bộ này lại không có trong tay một bản quy hoạch, thì quản lý dựa trên cơ sở nào? Chúng tôi cho rằng chúng ta phải có ba loại quy hoạch. Thứ nhất là quy hoạch về điều tra cơ bản, làm rõ chúng ta có những khoáng sản gì, phân bổ ở đâu. Hai là, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước. Ba là, quy hoạch về khai thác, chế biến khoáng sản ở các lĩnh vực chuyên ngành. Từ ba loại quy hoạch này sẽ đi liền với phân cấp, phân quyền.

. Vậy những “lỗ hổng” về phân cấp sẽ được khắc phục như thế nào?

+ Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) quy định rõ Bộ TN&MT là cơ quan khoanh định vùng tài nguyên, khoáng sản. Xác định rõ vùng nào là của TƯ, vùng nào của địa phương. Chỉ giao cho địa phương những vùng khoáng sản nhỏ, lẻ, khoảng sản thông thường như cát xây dựng. Địa phương chỉ được cấp giấy phép trong vùng mình được phân định, còn lại do Bộ TN&MT cấp. Quy định này sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay trong quản lý. Vấn đề là Bộ TN&MT phải công bố sớm vùng khoáng sản để địa phương chủ động cấp phép. Nếu không sẽ nảy sinh tiêu cực khác.

Sẽ “siết” việc cấp phép khai thác khoáng sản ảnh 2

Nếu được quy hoạch và phân cấp rõ ràng, tài nguyên khoáng sản sẽ bớt tình trạng thất thoát, lãng phí. Trong ảnh: Khai thác vàng khoáng sản tại vùng cao. Ảnh minh họa: CTV

Đấu giá quyền thăm dò, khai thác

. Hiện nay nhà nước cấp mỏ cho một DN để khai thác thì không thu gì ngoài thuế tài nguyên và phí môi trường, trong khi khoáng sản là tài sản của nhà nước?

+ Luật lần này sẽ quy định việc đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản. Khi thăm dò xác định những chỗ nhiều khoáng sản, có khoáng sản quý thì sẽ xác định những vùng phải đấu giá, vùng có thể cấp trực tiếp. Chính phủ sẽ quy định cụ thể về phương thức đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản. Nhiều ý kiến đề xuất, giao mỏ cho DN thì phải thu một khoản tiền, gọi là tiền cấp quyền khai thác mỏ.

. Làm thế nào để ngăn chặn việc DN “chạy” giấy phép khoáng sản, vốn đang bị phản ánh có nhiều tiêu cực?

+ Các quy định về DN đủ khả năng khai thác sẽ được bổ sung. Luật sửa đổi sẽ minh bạch các thủ tục, sẽ khắc phục được tình trạng “chạy” giấy phép như hiện nay.

. Có ĐBQH cho rằng tỉnh có khoáng sản nhiều nhất thì lại là địa phương nghèo nhất, ông nghĩ gì?

+ Tôi không đồng tình với ý kiến này. Nhưng cũng có thực tế là quyền lợi của nhân dân địa phương nơi khai thác khoáng sản hiện nay chưa thỏa đáng. Do vậy, chúng tôi đã đề xuất DN khai thác phải có trách nhiệm cụ thể, điều tiết một phần nguồn thu từ khoáng sản cho địa phương, đầu tư trở lại về hạ tầng, môi trường.

. Xin cảm ơn ông.

TIẾN THÀNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm