Thu giữ, kê biên sai: Phải bồi thường?

Hôm qua (20-5), ban soạn thảo Luật Bồi thường nhà nước đã họp cho ý kiến về dự án luật này. Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận là quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, nhà nước không chỉ bồi thường thiệt hại do oan mà còn do sai gây ra.

Bồi thường cả oan lẫn sai

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp), để bảo đảm tính thực thi, dự án cũng chỉ liệt kê hạn chế một số hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu. Chẳng hạn, nhà nước có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật, có lỗi gây ra trong việc thực hiện các công vụ như bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử; thu giữ, kê biên, quản lý và xử lý tài sản, chứng cứ có liên quan đến tội phạm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Ông Huệ cho rằng việc mở rộng phạm vi bồi thường này sẽ góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, sai sót trong hoạt động tố tụng hình sự, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người bị hại là mọi thiệt hại, dù do oan hay sai, đều phải được nhà nước bồi thường thỏa đáng.

Đại diện VKSND tối cao nghi ngại về tính khả thi của quy định này. “Giả sử tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo bảy năm tù, bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm, bị hủy án để xét xử lại. Bị cáo sau đó bị kết án hai năm tù, vậy trong trường hợp này có được bồi thường hay không?”.

Nhiều ý kiến khác đồng tình, cho rằng không nên đặt vấn đề bồi thường trong trường hợp sai vì phải tính đến khả năng của ngân sách nhà nước. Hơn nữa, Nghị quyết 388, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng mới chỉ quy định về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp do oan gây ra.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường gợi ý: “Dự thảo có thể vẫn quy định bồi thường trong trường hợp sai nhưng phải rất rõ, rất chặt chẽ. Chẳng hạn, sai do lỗi cố ý hoặc phải có bản án về tội tư pháp... mới đặt vấn đề trách nhiệm bồi thường”.

Viện kiểm sát cầm trịch bồi thường?

Một nội dung khác, dự thảo quy định trong quản lý hành chính nhà nước và trong thi hành án, cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước là cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, cơ quan có chức năng này là VKS. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ không nhất quán trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý rằng Luật Bồi thường nhà nước dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2009. Tuy nhiên chỉ hai năm sau, mô hình tổ chức, hoạt động của VKS sẽ có sự thay đổi theo lộ trình. Do đó cần cân nhắc quy định này.

Đại diện Tòa dân sự TAND tối cao đề xuất, cần có một cơ quan độc lập giải quyết việc bồi thường. Bà Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), đề nghị cần tính tới thiệt hại của tổ chức trong trường hợp người đứng đầu tổ chức đó bị xâm phạm các lợi ích, làm hoạt động tổ chức đó cũng bị liên đới ảnh hưởng.

Dự án Luật Bồi thường nhà nước còn quy định mức bồi thường tối đa đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần là 360 tháng lương tối thiểu. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần thì mức tối đa bồi thường cho thân nhân người chết là 60 tháng lương tối thiểu. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định lại mức bồi thường để bảo đảm sự thống nhất trong các quy định.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm