Tiếp công dân: Đừng hình thức!

Một số quy định trong Luật Tiếp công dân (TCD) còn hình thức, không khả thi, thiếu hiệu quả đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP.HCM mổ xẻ trong phiên thảo luận tại tổ chiều 31-5.

Chủ tịch QH tiếp dân một lần/tháng

Theo dự thảo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải “có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải trình về những ý kiến, thắc mắc của nhân dân thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình”. Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Gòn lại có một đề nghị khá lạ khi cho rằng Luật TCD nên bỏ quy định nói trên. “Vì lãnh đạo đơn vị nếu làm tròn chức năng, trách nhiệm của mình trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân đã hết thời gian rồi, làm sao đi thực tế, khảo sát. Quy định chỉ mang tính hình thức, không khả thi” - ông lý giải.

Tương tự, ĐB Gòn cũng đặt vấn đề về tính hiệu quả thực sự của quy định trách nhiệm của Chủ tịch QH, tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu các ban của tổ chức chính trị ở cấp trung ương… tiếp dân ít nhất một buổi/tháng. “Mục đích của người dân là cần được giải quyết vụ việc, không phải cần được tiếp” - ông nhấn mạnh.

Tiếp công dân: Đừng hình thức! ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Lê Minh Trọng phát biểu ý kiến ở tổ về Dự án Luật tiếp công dân. Ảnh: TTXVN

Theo ĐB Trương Thị Ánh, đã là cơ quan quản lý nhà nước thì quy định tiếp dân của lãnh đạo các bộ đều phải ngang nhau, không nên quy định có bộ tiếp dân “ít nhất một ngày/tháng”, có bộ lại tiếp dân “ít nhất một buổi/tháng”. Mặt khác, định hướng của dự luật là gắn hoạt động tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Điều này có thể thực hiện hiệu quả khi lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước tiếp dân nhưng chưa làm rõ khi lãnh đạo Đảng tiếp dân thì có giải quyết luôn việc khiếu nại, tố cáo của dân hay không” - bà Ánh băn khoăn.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp không phải cơ quan quản lý nhà nước, không trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo cho dân nên không cần quy định trách nhiệm tiếp công dân của họ trong luật này. Còn việc tiếp hội viên, thành viên họ nên để họ tự quy định trong điều lệ, quy chế hoạt động của tổ chức mình. Đồng thời, nên bổ sung quy định về quyền công dân được thông báo tiến độ xử lý, giải quyết vụ việc vì từ lúc tiếp dân, thụ lý vụ việc đến khi giải quyết xong rất dài.

Không nên nặng nề bộ máy

Dự thảo quy định việc tiếp công dân được tiến hành tại trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước gồm ba cấp: Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước (có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng), trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh (thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu riêng) và trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

ĐB Huỳnh Thành Lập cho rằng không nên tổ chức trụ sở tiếp công dân theo mô hình có tư cách pháp nhân độc lập, vì sẽ nặng bộ máy và vô hình tạo ra cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thực tế, đây chỉ là địa điểm để đón tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; là nơi nhận đơn, yêu cầu của người dân để phân loại, chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thậm chí mô hình “tiếp dân chung” này cũng không phù hợp với các luật hiện hành như Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức HĐND và UBND.

Chưa kể, mô hình này cũng phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo với trách nhiệm tiếp công dân của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị ngành được quy định trong chính dự thảo. “Chẳng hạn, dự thảo quy định đại diện Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH tham gia trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước; đại diện đoàn ĐBQH tham gia trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh... mâu thuẫn, chồng chéo với quy định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan của QH, đoàn ĐBQH ở chương kế tiếp” - ông Lập dẫn chứng.

Đề nghị đổi tên luật

Nên đổi tên Luật Tiếp công dân thành Luật Tiếp dân vì người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không chỉ là công dân VN mà còn có cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nhiều khách du lịch cần phản ánh bị “chặt, chém” giá cả, nhiều người nước ngoài đến VN đầu tư, làm việc, học tập khi có việc cũng cần được tiếp, ghi nhận, giải quyết vướng mắc...

ĐBQH TRẦN TRỌNG SANG

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm