Có tổ trưởng tổ dân phố phải dán bảng 'xin nghỉ việc'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc trực tuyến với UBND các quận 8, Gò vấp, Bình Tân và huyện Hóc Môn về giám sát thực hiện các Nghị quyết 42, 154, 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP liên quan đến chính sách, hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch COVID-19.

dbqh-giam-sat-ho-tro

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chủ trì buổi làm việc. Ảnh: LÊ THOA

Đây là phiên làm việc đầu tiên của Đoàn ĐBQH TP trong kế hoạch giám sát việc thực hiện các Nghị quyết hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Hàng chục ngàn người bị sót hỗ trợ sau đợt 1

Tại buổi họp, các quận, huyện và phường, xã đại diện đã báo cáo công tác chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch trong thời gian qua.

Theo đó, bên cạnh việc đang triển khai gói hỗ trợ đợt 3 thì các địa phương đã nêu khó khăn khi thời gian thực hiện gấp gáp trong lúc dịch căng thẳng, giãn cách lâu nên khâu rà soát, thống kê còn thiếu sót các đối tượng thuộc diện hỗ trợ.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hoá – xã hội, HĐND TP, nhìn nhận vừa qua các địa phương đã nỗ lực rất nhiều khi thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 09. Ông Bình cho hay bước đầu có chậm so với kế hoạch triển khai, nhưng sau đó thì linh hoạt hơn, chi theo hình thức cuốn chiếu, kịp thời.

dbqh-giam-sat-ho-tro

Trường ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: LÊ THOA

Tuy nhiên, sau đợt 1, số lượng đối tượng bị sót hỗ trợ là rất lớn. Ông dẫn chứng như quận 8 sót gần 23.000 trường hợp, đã chi trả bổ sung nhưng hiện còn hơn 5%, hay quận Gò Vấp còn sót 10.000 trường hợp, huyện Hóc Môn sót trên 15.000 trường hợp…

Ông Bình đề nghị trường hợp tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân thực hiện hỗ trợ chưa tốt thì nên tăng cường đoàn thể, cán bộ phường/xã về hỗ trợ để tránh gây thiệt thòi cho người dân.

Bên cạnh đó, ĐBQH Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP, thông tin khi giám sát ở huyện Bình Chánh có một gia đình đã nhận hai lần tiền hỗ trợ (1,5 triệu và 1,2 triệu đồng) cùng với 6 lần nhận quà của huyện chuyển xuống nhưng vẫn gọi lên các tổng đài 1022, HĐND TP và MTTQ để xin thêm. Hay một trường hợp khác không có số nhà đã được chuyển rau củ quả nhưng ‘đòi cho hàng ngày’.

Một số hộ ở quận Gò Vấp đã nhận 1,5 triệu đồng được Đoàn Thanh niên đi trao nhưng tưởng còn khoản hỗ trợ khác của chính quyền nên xin thêm.

Bà Châu mong rằng bà con cần có sự chia sẻ, cảm thông với lực lượng ở cơ sở trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng.

“Đấy là sự hy sinh rất lớn”

Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, cho biết xã là cấp cuối cùng thực hiện chính sách nhưng cần một hệ thống chân rết từ các ấp, tổ nhân dân. Tuy nhiên hiện nay các cô chú tổ nhân dân lớn tuổi xin nghỉ việc rất nhiều, xã phải khẩn cầu các cô chú tiếp tục hỗ trợ địa phương.

dbqh-giam-sat-ho-tro

ĐBQH Trần Kim Yến chia sẻ khó khăn với lực lượng cơ sở. Ảnh: LÊ THOA

Chia sẻ khó khăn với cơ sở, ĐBQH Trần Kim Yến nhìn nhận tổ trưởng tổ dân phố thường là cô chú lớn buổi, bệnh nền nhiều, khả năng bị lây bệnh là rất lớn, có trường hợp con cái không cho tham gia. Vừa qua những người này không chỉ làm công tác hỗ trợ mà còn tham gia tuyên truyền việc giãn cách, phát phiếu, đi chợ hộ, vận động, lập danh sách tiêm chủng… với khối lượng công việc là rất lớn.

ĐB Yến cũng thừa nhận có tình trạng cô chú tổ trưởng xin nghỉ việc, thậm chí là dán bảng xin nghỉ việc trước nhà. Bà cho rằng việc hỗ trợ đợt 3 phải nhanh nhưng nên có thêm thời gian để việc lập hồ sơ chính xác, chặt chẽ, tránh sai sót, trùng đối tượng.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã cảm ơn các lực lượng trong hệ thống Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ TP xuống cơ sở, đặc biệt là các cô chú tham gia công tác ở khu phố, tổ dân phố đã chịu đựng rất nhiều khó khăn, áp lực và cả nguy hiểm. Từ đó, đảm bảo công tác đánh giá tình hình khó khăn ở các hộ dân, lập danh sách người nhận hỗ trợ.

“Đấy là sự hy sinh rất lớn” – ĐB Nhân nói. Ông khẳng định nếu không có đội ngũ này mà chỉ có cán bộ phường, xã thì không có cách nào để lập danh sách hỗ trợ an sinh.

dbqh-giam-sat-ho-tro

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, đối với việc còn bỏ sót đối tượng hỗ trợ, cần tổng hợp danh sách, có cơ chế để khắc phục. Lực lượng ở cơ sở cần mạnh mẽ hơn, cùng cố lại, tăng cường lực lượng từ cấp quận, cấp TP về và có thêm phụ cấp rõ ràng. “Không để lực lượng rà soát hỗ trợ bị thiếu” – ông nói và cũng cho rằng cần có cơ chế để khi người dân đói thì có thể phát tín hiệu ngay, ngoài phản ánh lên các cổng thông tin.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng khi giãn cách xã hội lâu hơn thì số người cần hỗ trợ tăng lên, quy mô lớn hơn, có nguy cơ sai sót lớn hơn. Vì vậy, cần có lộ trình, thông điệp, làm theo thứ tự, động viên gia đình nào còn có thể trụ được thì chậm hơn.

Tránh việc chậm duyệt chi hỗ trợ

Tại buổi làm việc, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, ghi nhận và chia sẻ khó khăn với lực lượng cán bộ ở cơ sở.

Theo đó, các quận, huyện còn vận động được rất nhiều quà từ mạnh thường quân. “Có phường, xã không chỉ gửi thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hộ khó khăn mà cho cả hộ dân không thuộc diện hỗ trợ, có nơi hộ khó khăn được nhận 2 lần/tuần” – bà Tuyết nêu.

Tuyy nhiên, Đoàn ĐBQH TP cũng nhận được thông tin nhiều địa phương chi hỗ trợ rất chậm, cần rút kinh nghiệm vào đợt 3.

ĐB Tuyết đề nghị thời gian tới phải làm tốt công tác xác minh, dưới sự hỗ trợ của CSKV phải lập danh sách nhanh nhưng không sót đối tượng; cấp nào thực hiện tốt nhiệm vụ của cấp đó, trong đó quận phải duyệt ngay khi có danh sách và cấp ngay kinh phí cho phường.

“Không để xảy ra tình trạng gửi tiền chậm cho dân là vì lập danh sách chậm hay duyệt chậm hoặc rà soát quá kĩ” – bà nói và cho rằng có tình trạng các phòng, ban ‘sợ cái này, cái kia’ nên tham mưu chậm, xuống dưới kế toán bị F0 nên mất cả tuần mới ra kho bạc làm việc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm