Cứu trợ tiền mặt không khẩn cấp bằng cứu trợ lương thực

Mới đây, Viện nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life) vừa có cuộc khảo sát về những ảnh hưởng kinh tế và tâm lý của người dân, đặc biệt là người lao động (NLĐ) tự do trong đợt dịch thứ tư.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (ảnh), Viện trưởng Viện Social Life.

. Phóng viên: Qua khảo sát, ông nhận thấy đối tượng lao động tự do đang gặp những khó khăn như thế nào?

+ Ông Nguyễn Đức Lộc: Theo khảo sát do Viện Social Life tiến hành từ ngày 7 đến 21-5 (trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16) thì nhóm NLĐ tự do có ảnh hưởng đến việc làm cao nhất (57,6%). Kế đến là nhóm công nhân (51%). Nhóm ít bị ảnh hưởng nhất là nhân viên văn phòng (43,4%) và nhóm sinh viên (45,9%).

NLĐ tự do không có nguồn dự phòng tiết kiệm nên phần lớn đang rơi vào khó khăn, thiếu đói nghiêm trọng sau một năm lao động cầm chừng và hơn một tháng giãn cách xã hội.

Về mặt tâm lý, NLĐ tự do thường tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, chứ không phải từ báo chí chính thống hay ban điều hành khu phố. Họ chỉ thấy xe cấp cứu, giăng dây chứ không thể tiếp cận đầy đủ những thông tin nỗ lực hỗ trợ của TP. Sự nhiễu loạn thông tin kèm với khó khăn về kinh tế sẽ khiến họ ức chế. Đây là điều hết sức lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội hoặc ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch của TP.

. Ông đánh giá gì về các gói hỗ trợ hiện nay?

+ Chính phủ và TP.HCM đã có những gói cứu trợ quy mô lớn chưa từng có để hỗ trợ NLĐ mất việc, NLĐ tự do. Tuy nhiên, từ thông tin của Bộ LĐ-TB&XH cũng như khảo sát riêng của Viện Social Life trên một số nhóm lao động ở TP.HCM, Bình Dương cho thấy các gói giải ngân dù được chính quyền làm nhanh gọn nhưng vẫn đang chậm hơn nhiều so với khó khăn của người dân. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết trong báo cáo gần đây rằng NLĐ tự do là nhóm khó xác định thông tin nhất.

Như vậy, nhóm nguy cơ thiếu đói nhất, căng thẳng nhất, có nguy cơ phá bỏ giãn cách, phản ứng biện pháp phòng chống dịch để kiếm kế sinh nhai, dễ bị tổn thương về kinh tế lẫn y tế trong dịch lại khó tiếp cận với gói hỗ trợ nhất.

Trong tình hình cấp bách hiện nay, với lực lượng hiện có từ hệ thống của ngành LĐ-TB&XH TP.HCM đến các phường, để
hỗ trợ hơn 230.000 NLĐ tự do, thậm chí cả triệu NLĐ phi
chính thức khác sẽ là quá tải và khó có thể nhanh chóng.

Ngoài ra, với số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, NLĐ tự do cũng không thể mua nhiều nhu yếu phẩm trong bối cảnh giá cả gia tăng.

. Ông có đề xuất nào để hỗ trợ tốt hơn cho người gặp khó khăn trong dịch COVID-19?

+ Bằng kinh nghiệm khảo sát NLĐ ở TP.HCM và các vùng lân cận nhiều năm nay, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để nhanh chóng thu thập thông tin, khẩn cấp cứu trợ cho NLĐ
tự do như sau:

Một là rà soát tất cả người đang gặp khó khăn. Đối với công tác giải ngân tiền hỗ trợ theo các chính sách của Chính phủ và TP, ngoài lực lượng của chính quyền, cần huy động và phát
huy mạng lưới xã hội, các nhóm xã hội sơ cấp tại địa phương. NLĐ tự do không có nơi nào quản lý nhưng lại có mạng lưới
xã hội của riêng mình và cũng chính mạng lưới này giúp giám sát công tác cứu trợ rất tốt.

Cán bộ phường 12, quận Gò Vấp đang chuẩn bị rau củ quả nhận từ các nhóm từ thiện để trao cho người dân khó khăn trong mùa dịch. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chính quyền phải nhanh chóng hành động thông qua hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là lực lượng các tổ dân phố, công an khu vực, các đoàn thể chính trị - xã hội. Lực lượng này rà soát mạng lưới của NLĐ di cư trong địa bàn mình như chủ nhà trọ, các nhóm lao động làm chung thì sẽ nhanh chóng có danh sách đầy đủ.

Hai là cấp phát lương thực, thực phẩm khẩn cấp. TP cần kêu gọi sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp. Trong đại dịch, cứu trợ tiền mặt không khẩn cấp bằng cứu trợ lương thực. Mặt khác, cứu trợ lương thực còn giúp lưu thông hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị những nhóm trục lợi tăng giá. TP không thể bao phủ hết mọi ngõ ngách, cấp phát lương thực ngay mà sẽ cần tới lực lượng rất lớn từ các đoàn thể tại địa phương và nhân viên công tác xã hội. Vì vậy, TP nên tính tới việc kết hợp công - tư trong công tác cứu trợ, miễn là tất cả các bên có cơ chế công khai, minh bạch, giám sát.

Ba là áp dụng công nghệ vào trợ cấp xã hội. TP.HCM cần sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trợ cấp xã hội như lập website hoặc app khai báo thông tin nhu cầu thực phẩm cho người nghèo, tích hợp vào cổng thông tin điện tử TP hoặc bản đồ COVID-19 của TP...

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm