Chiều 17-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM khoá XV đơn vị 5 đã có buổi tiếp xúc trực tuyến và trực tiếp với cử tri các quận Tân Bình và Tân Phú.
Tổ ĐBQH này gồm Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của QH; bà Trần Thị Diệu Thuý, Thành uỷ viên, Chủ tịch liên đoàn Lao động TP.HCM.
Tham dự buổi tiếp xúc còn có ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình; ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú và các cử tri, các thầy cô giáo quận Tân Bình, Tân Phú tại 26 điểm cầu các phường.
Cử tri quận Tân Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ ĐBQH đơn vị 5 chiều 17-11. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Thiết kế lại hệ thống y tế cơ sở
Cử tri Nguyễn Thị Huyền (quận Tân Bình) chỉ ra vấn đề quá tải hệ thống y tế trong dịch bệnh COVID-19. Theo cử tri Huyền, mặc dù các bác sĩ, y tá tại các điểm y tế cơ sở làm việc rất nhiệt tình, giúp đỡ người dân, tuy nhiên lực lượng lại rất mỏng.
“Ở khu vực phường 2 chỉ có một vài người nhưng phải chạy suốt khiến chúng tôi rất đau lòng. Thực sự hoạt động của cơ sở tiếp xúc, phục vụ nhân dân lớn nhất thì lại thiếu cán bộ”- cử tri Hậu nói và đề xuất tăng mức lương cho lực lượng y tế cơ sở.
Trong khi đó, cử tri Vũ Thị Hậu (quận Tân Bình) nêu phản ánh, trong dịch bệnh, có trường hợp bệnh viện không nhận cấp cứu bệnh nhân. “Trong tháng 6, 7, dịch bệnh đã làm nhiều người chết nhưng họ không chỉ chết vì COVID mà còn do không được cấp cứu kịp thời. Đề nghị phía ngành y tế xem lại vấn đề này” - cử tri Hậu nói.
Cử tri Hậu đề xuất thêm, mỗi bệnh viện nên có một phòng dành cho cấp cứu bệnh nhân không mắc COVID-19 và phân loại bệnh nhân. Đối với trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 thì cách ly, những người không mắc thì chữa trị.
Trả lời ý kiến của cử tri về hệ thống y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết sau đại dịch đã chỉ ra nhiều bất cập của ngành y tế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, đào tạo nhân viên y tế, cơ cấu tổ chức và lương bổng.
“Tất cả đều đồng thuận rằng nếu như trước đây y tế được thiết kế theo hình chóp ngược, y tế tuyến cơ sở là chóp lõm thì bây giờ phải lật ngược lại, thiết kế lại. Y tế cấp cơ sở phải được đầu tư cấp cao nhất cả cơ sở vật chất và con người để bảo vệ sức khoẻ người dân” - ĐB Nguyễn Minh Đức nêu.
Về vấn đề có bệnh viện mải cấp cứu bệnh nhân COVID-19 mà quên đi cấp cứu bệnh nhân bị bệnh khác, ĐB Đức cho hay trong dịch bệnh, các bệnh viện chịu rất nhiều áp lực.
“Bệnh nhân COVID-19 khi đã đi cấp cứu, nếu không kịp thời thì họ có thể tử vong chỉ trong khoảng vài giờ đồng hồ. Do đó với các bệnh nhân khác có thể hướng dẫn điều trị thay cho việc tiếp nhận và ưu tiên bệnh nhân COVID-19.
Điều này có thể đến tình trạng bệnh nhân không bị COVID sẽ không được cứu chữa đầy đủ như trước đây” - ông Đức nói và cho biết hiện người đứng đầu ngành y tế đã nhận trách nhiệm trước QH.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức trả lời ý kiến của cử tri. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Đề xuất trả CCCD sớm cho người dân
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Quang Hải (quận Tân Phú) phản ánh tình trạng chậm trễ trong việc trả căn cước công dân (CCCD) cho người dân đã làm vào thời điểm tháng 2, 3, 4 vừa qua.
Theo ông Hải, việc trả CCCD chậm đã ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của người dân và có trường hợp cùng một gia đình đi làm CCCD cùng một thời điểm nhưng người có người không. Ông cũng cho rằng việc này đã làm ảnh hưởng đến việc tiêm chủng COVID-19 của người dân.
“Tôi đề xuất tổ ĐBQH kiến nghị Bộ Công an sớm trả CCCD cho công dân làm từ tháng 2, 3, 4 nhưng chưa có. Lên công an hỏi thì họ cũng chưa biết ai có ai không”- ông Hải nói.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng phản ánh thêm về tình trạng đòi số định danh của trẻ em ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi trong đợt tiêm vừa qua. “Trong đợt tiêm, nhà trường đòi mã định danh. Các em đã có CCCD thì dễ còn các em dưới 14 tuổi chưa có số định danh nên quá tải cho công an địa phương để trích lục hồ sơ gây mất thời gian” - ông Hải phát biểu.
Trả lời về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công an quận Tân Phú cho biết trong đợt đầu cấp CCCD cho người dân thì đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, điều này khiến việc trả CCCD cho người dân bị gián đoạn.
Vị này cho biết thêm, một số dữ liệu vân tay của công dân sau khi chuyển về Bộ Công an không thể nhận diện được nên buộc phải trả lại dẫn đến mất thời gian khắc phục.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp công dân đăng ký trả CCCD qua đường bưu điện. “Trong thời gian giãn cách, bưu điện không làm việc nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trả CCCD. Tới đây, lực lượng công an đã thực hiện luôn việc này” - đại diện công an Tân Phú thông tin.
Đối với phản ánh của cử tri về việc chậm trả CCCD làm ảnh hưởng đến các giao dịch cá nhân, vị này thông tin: Khi làm thủ tục cấp CCCD, nếu chưa trả CCCD gắn chip mới thì chưa thu hồi lại CCCD mã vạch hoặc chứng minh nhân dân cũ. Vì vậy, mọi giao dịch của công dân bằng CCCD cũ và chứng minh nhân dân đều được thực hiện bình thường, không có trở ngại.