Đức “khát” năng lượng tái sinh

hực tế này là thách thức lớn cho “cuộc cách mạng năng lượng” của Đức.

Năm 2002, Đức quyết định ngưng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân của mình vào năm 2022. Nhậm chức Thủ tướng năm 2005, bà Angela Merkel lại không quyết liệt kế hoạch này vì lo ngại ảnh hưởng kinh tế. Tuy nhiên, thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011 đã làm bà Merkel đổi ý, ủng hộ kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Từ năm 2011 đến nay đã có tám nhà máy điện hạt nhân (1/2 tổng số) bị đóng cửa, trong khi đó công cuộc đầu tư cho năng lượng tái sinh vẫn rất sơ khai. Mục tiêu của Đức là năng lượng tái sinh (từ gió, mặt trời, nước) sẽ phục vụ được 40% nhu cầu năng lượng của Đức vào năm 2025, 60% vào năm 2035 và 80% vào năm 2050 vẫn còn rất xa. Hiện tại các nguồn năng lượng tái sinh chỉ mới đáp ứng được 23% nhu cầu năng lượng tiêu thụ của Đức.

Công ty Vattenfall đang muốn mở rộng mỏ than ở làng Jänschwalde ra làng Atterwasch (đông Đức). Ảnh: DPA

Theo báo New York Times, đằng sau tham vọng đóng cửa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân, tiến đến sử dụng năng lượng tái sinh của Thủ tướng Angela Merkel là một cơn khát than nâu dữ dội, vì Đức cần năng lượng để lấp vào khoảng trống cung của các nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, cơn khát than nâu xuất hiện còn nhằm làm hạ nhiệt giá điện tăng quá cao (cao hơn mức bình quân của châu Âu 50%) vì “cuộc cách mạng năng lượng”. Theo Bộ trưởng Năng lượng Đức Sigmar Gabriel, cuộc cách mạng năng lượng đã làm dân Đức tiêu tốn thêm 24 tỉ euro mỗi năm vì giá điện tăng.

Theo báo DW (Đức), Đức hiện là nơi sản xuất than nâu lớn nhất thế giới. 2013 là năm Đức khai thác than nâu nhiều nhất mọi thời điểm kể từ năm 1990, khi các nhà máy điện đông Đức xã hội chủ nghĩa cũ còn hoạt động. Trong năm này Đức sử dụng tới 162 tỉ kWh điện từ than nâu, mức cao nhất kể từ những năm 1990. Hiện năng lượng điện từ than đóng góp 40% vào tổng năng lượng điện của Đức, vượt xa mức quy định trung bình của châu Âu là 25%.

Công ty năng lượng lớn nhất châu Âu Vattenfall (Thụy Điển) đang có năm mỏ khai thác than ở đông Đức. Người phát ngôn Thoralf Schirmer công nhận việc làm ăn của công ty biến chuyển mạnh trong ba năm nay vì chính sách chuyển đổi năng lượng của Đức đã làm tăng nhu cầu than nâu. Hiện Vattenfall đang xin phép chính phủ Đức cho mở rộng thêm ba mỏ than.

Kể từ năm 1924 đến nay, các mỏ khai thác than đã nuốt chửng 136 làng ở vùng Lusatia thuộc bang Brandenburg (đông nam Đức), chủ yếu từ thời Đức còn phân chia. Sau thống nhất, chính phủ Đức cho ngừng hoạt động các nhà máy điện từ than nâu ở đông Đức. Vì cơn khát than mới này, nhiều làng trong đó có làng Atterwasch trong vùng Lusatia rất có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.

Người dân làng Atterwasch cũng như một số làng lân cận đang tìm cách ngăn chặn cơn khát than nâu quét sạch làng mình trên bản đồ trong khi Vattenfall đang tích cực thuyết phục dân dời chỗ ở, nhường đất khai thác than. New York Times dự đoán sự kháng cự, bất hợp tác của người dân cuối cùng cũng sẽ phải đầu hàng cơn khát than của chính phủ Đức.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng năng lượng không chỉ ảnh hưởng ở đông Đức. Tại vùng Rhineland (tây Đức) gần đây, thị trấn Immerath (gần vùng Ruhr) vừa biến thành một thị trấn ma để Công ty năng lượng Đức RWE lập mỏ khai thác than. RWE được chính phủ Đức cho phép khai thác 1,3 tỉ tấn than nâu đến năm 2045 từ thị trấn Immerath.

RWE cho di chuyển mọi thứ - kể cả hài cốt người chết - từ thị trấn cũ đến thị trấn mới cách đó 12 km. 7.600 người phải đổi chỗ ở. Nhiều người già vì sốc với thực tế đã qua đời trước khi di chuyển đến chỗ ở mới, theo DW. Các thị trấn lân cận cũng đang bị đe dọa vì nằm trong tuyến mở rộng khai thác than.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm