KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ

Chiều 19-10, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế về chương trình kỳ họp thứ 10 của QH khóa XIV, dự kiến khai mạc lúc 9 giờ sáng nay (20-10), kết nối trực tuyến đến 63 đoàn đại biểu (ĐB) QH trong cả nước.

Quyết định ngày bầu cử toàn quốc

Báo cáo về chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn cho hay kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc ngày 20-10 và bế mạc ngày 17-11, làm việc trong 19 ngày (không kể ngày nghỉ). Kỳ họp tiến hành theo hai đợt. Đợt 1 sẽ họp trực tuyến, từ ngày 20 đến 27-10. Đợt 2 họp tập trung tại Nhà QH, từ ngày 2 đến 17-11.

Đáng chú ý tại kỳ họp này, QH sẽ dành bảy ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua bảy dự án luật, ba dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với bốn dự án luật khác.

QH cũng xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kế hoạch tài chính năm năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, QH sẽ xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng…

Tại kỳ họp này, QH cũng sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. “Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ QH khóa XIV nên QH không tiến hành giám sát chuyên đề” - ông Tuấn nói.

Cạnh đó, QH sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐB QH khóa XV, bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngoài ra, theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, trong kỳ họp cuối năm, cuối nhiệm kỳ, QH sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ.

Tổng thư ký Quốc hội trao đổi  với báo chí tại buổi  họp báo.  Ảnh:  ĐỨC MINH

Bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: Việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc (người đã có thêm quốc tịch đảo Cyprus khi vẫn là ĐBQH của Việt Nam) là một trong những nội dung về công tác nhân sự tại kỳ họp này.

“Ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân. Do đó, QH phải bãi nhiệm đối với ĐBQH Phạm Phú Quốc. Tôi dùng từ bãi nhiệm, khác với miễn nhiệm, vì ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm, không trung thực khai báo, vi phạm trong việc sử dụng hộ chiếu nước ngoài…” - ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết thêm: Theo quy định, việc bãi nhiệm phải bỏ phiếu kín nên phải chờ QH họp tập trung vào đợt 2 thì mới tiến hành các thủ tục được. Cụ thể là phải họp đoàn lấy ý kiến, sau đó mới bỏ phiếu, chứ khi họp trực tuyến không thể làm việc này được. “Chúng tôi sẽ tiến hành ngay khi QH họp tập trung vào ngày 2-11” - ông Phúc cho biết thêm.

Sẽ phê chuẩn miễn nhiệm thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Theo chương trình, tại kỳ họp này, QH sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. “Vậy QH có phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự thống đốc NHNN Việt Nam luôn không?” - báo chí hỏi.

Trả lời, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay QH miễn nhiệm chức vụ thống đốc NHNN đối với ông Lê Minh Hưng do ông Hưng đã được phân công nhận nhiệm vụ khác. Sau khi QH miễn nhiệm, Thủ tướng có văn bản đề nghị QH phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thống đốc NHNN. 

“Đến giờ này tôi chưa nhận được văn bản đề nghị của Thủ tướng về việc phê chuẩn bổ nhiệm thống đốc NHNN Việt Nam. Đối với việc phê chuẩn bổ nhiệm thành viên Chính phủ thì Thủ tướng phải có văn bản báo cáo với Ủy ban Thường vụ QH, báo cáo QH để còn tiến hành thủ tục” - ông Phúc nói. 

Còn theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự. Cụ thể, QH sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự bộ trưởng Bộ KH&CN, phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự thẩm phán TAND Tối cao…

Quốc hội dành 1 phút mặc niệm tướng Nguyễn Văn Man

Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ có phút mặc niệm đối với ĐBQH, Thiếu tướng, liệt sĩ Nguyễn Văn Man, vừa hy sinh khi đi cứu hộ lũ lụt tại miền Trung.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng thiên tai, bão lụt là điều không mong muốn. Đồng bào miền Trung đang phải gồng mình chống chịu từng cơn bão lũ rất ác liệt. Các chiến sĩ của chúng ta cũng ngày đêm cùng với bà con chống đỡ. Thế nhưng không may vừa qua, các chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh, không chỉ có 13 cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ở Rào Trăng 3, Thừa Thiên-Huế mà còn 22 chiến sĩ khác của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. “Đây là việc hết sức đau xót” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo Tổng thư ký QH, tại phiên họp trù bị, QH sẽ dành 1 phút mặc niệm với ĐBQH Nguyễn Văn Man, nguyên ĐBQH tỉnh Quảng Bình. QH cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung, với gia đình các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. 

Quốc hội tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp

Cũng tại cuộc họp báo, báo chí đặt tiếp câu hỏi: Phiên họp thứ 49 của Thường vụ Quốc hội (QH) vừa qua có việc hạn chế phóng viên (PV), báo chí tham dự, chỉ phát hành các thông cáo báo chí sau phiên họp. Đây là biện pháp nhằm chống dịch COVID-19, là chủ trương mới về việc đưa tin tuyên truyền của Ủy ban Thường vụ QH hay thực hiện theo quy định mới nào của pháp luật?

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: “Không phải hạn chế thông tin báo chí đâu. QH thực hiện theo hiến định nên các kỳ họp QH vẫn mời báo chí, tạo điều kiện cho PV tác nghiệp bình thường, không thay đổi gì cả”. 

Theo ông Phúc, PV vẫn được phát thẻ sự kiện, giải lao có thể lên hành lang phỏng vấn các đại biểu QH. Tại trung tâm báo chí, PV được tiếp cận ngay với thông tin gốc từ Phòng Diên Hồng chuyển xuống. “Vì vậy rất thuận lợi cho các PV” - ông Phúc nói.

Giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ ảnh 2
Phóng viên tham gia đưa tin về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV làm việc tạiTrung tâm báo chí Nhà Quốc hội. Ảnh: baotintuc.vn

Cũng theo Tổng thư ký, kỳ họp Thường vụ QH là hoạt động của Thường trực QH, trong quá trình chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp QH có nhiều nội dung, nhiều tài liệu mật. “Những nội dung nào không mật thì vẫn mời báo chí. Còn mật thì chúng tôi phải họp riêng, sau đó có thông cáo báo chí. PV không được tiếp cận, trao đổi, nghe các đại biểu phát biểu, đó là chuyện đương nhiên” - ông Phúc nói.

Tổng thư ký QH cũng cho biết: Với các cuộc họp có nội dung, tài liệu mật thì sau đó Văn phòng QH có thông cáo báo chí rất chi tiết. Từ các thông cáo này, báo chí tùy theo tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mỗi báo mà khai thác nội dung phù hợp. Còn các cuộc họp có nội dung khác vẫn mời báo chí bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm