Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước với tên gọi Văn Ba đã lên tàu Latouche Treville từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trước đó đã có rất nhiều người yêu nước ra đi nhưng đều không tìm thấy con đường phù hợp. Phải đến chuyến hành trình lịch sử này, con đường cứu nước của Việt Nam mới được định hình rõ nét.
Ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin
GS Trần Văn Giàu cho rằng cuộc đời Hồ Chí Minh đã tạo ra năm bước ngoặt lớn của lịch sử Việt Nam, bước ngoặt đầu tiên chính là bước ngoặt ra đi tìm đường cứu nước. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành đi vào miền Nam, không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành đi ra từ Bến Nhà Rồng, cũng không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Tất Thành chọn nước Pháp là điểm đến. Chắc hẳn trong suy tư về những bước đường cách mạng, người thanh niên yêu nước ấy đã tính toán kỹ điều này.
Về sự lựa chọn này, GS Trần Văn Giàu đánh giá: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ XX. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Trung Hoa) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu. Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ” (theo Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2014, trang 21).
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ năm, họp từ ngày 17-6 đến 8-7-1924 ở Moskva với tư cách là đại biểu của Bộ thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Từ hành trình ra đi ở Bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911 ấy, Nguyễn Tất Thành đã đi qua ba đại dương, bốn châu lục và gần 30 nước. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi. Ngày 18-6-1919 Nguyễn Tất Thành vẫn cùng cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường gửi tới hội nghị Versailles “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”.
Rồi cũng tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin để rồi sau đó Người dứt khoát tin theo Lênin, đi theo con đường của Lênin. Rõ ràng đây lại là một sự ngẫu nhiên của lịch sử bởi Paris khi ấy là nơi giao thương của thế giới, nơi được xem là “kinh đô ánh sáng”, nơi hội tụ các thông tin nhanh nhạy nhất của thế giới lúc bấy giờ.
Nhớ lại sự kiện này, trong bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông của Liên Xô nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tình tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, trang 561-562).
Dấu mốc vĩ đại của lịch sử Việt Nam
Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc mình, không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà Người còn có công lao to lớn đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Hồ Chí Minh đã có đóng góp không nhỏ đối với phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng. Vì vậy, hành trình ra đi ngày 5-6-1911 là một hành trình lịch sử đặc biệt.
Như đã đề cập trên đây, trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, ở Việt Nam đã có rất nhiều sĩ phu ra đi bằng những con đường khác nhau. Các bậc sĩ phu ấy đã đi theo nhiều hướng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Thậm chí, trước và cùng Nguyễn Tất Thành, đã có một sĩ phu yêu nước cũng đến nước Pháp, đó là cụ Phan Chu Trinh. Thế nhưng, cho dù đi bằng con đường nào, đi theo hướng nào thì tất cả bậc sĩ phu đáng kính ấy đều không thành công và không tìm được con đường giúp cho đất nước Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng về đường lối khi ấy. Con đường cứu nước ấy chỉ thật sự mở ra khi Nguyễn Tất Thành bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin.
Và cũng kể từ khi tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân phương Tây bắn vào cửa biển Đà Nẵng ngày 31-8-1858, đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng nổ ra ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Thế nhưng, có thể thấy rằng các phong trào yêu nước ấy đã không có sự liên kết và thống nhất với nhau. Đặc biệt, sự ủng hộ từ các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác hầu như không có. Trong bối cảnh mỗi phong trào diễn ra trong phạm vi hẹp và khép kín như vậy đã dễ dàng bị phân hóa và đàn áp.
Bằng việc ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp…, Nguyễn Ái Quốc đã có công kết nối phong trào cách mạng Việt Nam với thế giới, đưa phong trào cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Bằng việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và văn hóa Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên gắn chặt ngọn cờ độc lập dân tộc với ngọn cờ chủ nghĩa xã hội.
Từ chủ nghĩa Mác - Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra và sau đó được truyền bá vào Việt Nam con đường cứu nước, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Nhờ sự chỉ lối, dẫn đường ấy, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Và chỉ 15 năm sau, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền trong cuộc cách mạng Tháng Tám lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), rồi tiếp tục giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, tiến đến thống nhất nước nhà (30-4-1975).
Tàu Latouche Treville đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng ngày 5-6-1911. Ảnh: TTXVN
Hành trình tiếp nối vẻ vang
110 năm sau ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, hơn 100 năm sau ngày Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, hơn 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những giá trị về vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát huy. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”.
Từ cuộc khởi đầu lịch sử ấy, đã có một Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, một đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII.
Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã hai lần được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu rất cao.
Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết diễn đàn lớn của thế giới, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với hàng trăm chính đảng tại hàng trăm quốc gia trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đã chính thức vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á, đứng thứ 37 trên thế giới và được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường Hôm nay (5-6), tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM sẽ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ kỷ niệm 110 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Cũng tại địa điểm trên, triển lãm ảnh với chủ đề “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử” sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 15-6. Bộ phim tư liệu Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng cũng được trình chiếu dịp này. Mới đây, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã ra mắt cuốn sách ảnh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước bằng bốn thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Trung Quốc. M.LÊ |