Hậu kiểm PCCC ở chung cư chưa nghiêm

“Theo quy định, cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó có nhà chung cư. Nhưng trên thực tế, quy định này có thể chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP, sẽ nêu ý kiến này khi triển khai Chỉ thị 04 của TP.HCM về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn.
Ông Châu cho hay rà soát các quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hiện nay thì “về cơ bản tương đối đầy đủ”. Tuy nhiên, vấn đề là cơ chế phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện và kiểm tra của các chủ đầu tư dự án, các đơn vị thi công xây lắp, đơn vị tư vấn quy hoạch, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công, Ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư. Bên cạnh là vai trò của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, thị trấn, và các hộ dân đang sống trong chung cư.
Ông cho biết trước đây, khi dự kiến sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 đã có đề xuất khi chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu công trình nhà chung cư đạt yêu cầu thì phải báo Sở Xây dựng để kiểm tra. “Khi Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng thì mới được đưa dân vào ở. Nhưng đề xuất này chưa được đưa vào Luật Kinh doanh BĐS 2014. Đề xuất bổ sung nội dung này khi sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS sắp tới”, ông Châu kiến nghị. Thực tế, một số chủ đầu tư chưa thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở, như chung cư Bảy Hiền Tower đã đưa các hộ dân vào ở, trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, sai phép.
Ngoài những bất cập về quy định, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP cũng báo động nhiều tồn tại trong công tác an toàn PCCC tại các chung cư. “Có chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục "báo cháy giả", nên cư dân sẽ có thói quen "bình thản" khi nghe báo cháy dù xảy cháy thật. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị "làm phiền", cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông, để tiện đi lại nên khi xảy ra cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập; lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy cháy”, ông kể.
Bên cạnh, nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy, có chung cư chừa đường vào cho xe chữa cháy nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được. Ông Châu đặc biệt lưu ý hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nên nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng lo.
Ông Châu cho hay để nâng cao nhận thức trách nhiệm về PCCC với nhà chung cư, ngày 4-4 tới Hiệp hội BĐS sẽ tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện chỉ thị của TP. Đồng thời cũng góp phần khắc phục tâm lý hoang mang lo ngại của người dân đang sinh sống trong các nhà chung cư tại TP.
Trước đó, Hiệp hội BĐS TP cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư Carina và hỗ trợ mỗi người tử nạn 15 triệu đồng, 48 người đang điều trị tại bệnh viện với số tiền 5 triệu đồng/người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm