Mới đây, TAND TP.HCM đã hủy bản án của TAND quận Bình Tân về việc ông K. kiện con gái là chị N. đòi năm lượng vàng. HĐXX cho rằng số vàng trên là tài sản phát sinh trong thời gian vợ chồng ông K. sống chung, nay bà đã mất nhưng tòa án cấp sơ thẩm không đưa bốn người con riêng của vợ ông K. vào tham gia là vi phạm tố tụng...
Năm lượng vàng dưỡng già
Theo đơn khởi kiện của ông K., chị N. là con gái duy nhất của ông và người vợ đã mất. Mấy năm trước, ông bán nhà rồi lấy năm lượng vàng gửi tiết kiệm dưỡng già. Không lâu sau đó, chị N. mượn ông số vàng trên để sửa nhà. Thời gian qua, chờ mãi không thấy con trả vàng nên ông đòi lại để trang trải cuộc sống riêng tư...
Tuy nhiên, chị N. lại bảo cha tự nguyện cho chị vàng nên chị không thể đáp ứng yêu cầu đòi lại vàng của cha. Chị còn bật mí thêm: Mẹ mất được một năm, cha đã sống chung với người đàn bà khác kém cha 33 tuổi. Người này xúi cha về nhà xin tiền hoài. Chị đâu có tiền để cha cung phụng mãi người tình trẻ...
Phản bác lại, người cha thì bảo ông không làm hợp đồng tặng cho thì không thể nói ông đã cho con vàng. Chưa kể, về đạo lý, cha không nơi nương tựa, không có tiền ăn, tiền thuốc... thì con phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha chứ không thể bỏ mặc và không trả vàng đã mượn.
Sót con riêng của vợ
Hòa giải không thành, TAND quận Bình Tân đưa vụ án ra xét xử và nhận định chị N. thừa nhận có nhận năm lượng vàng của cha nhưng không có chứng cứ cho thấy đây là tài sản cha tặng nên giờ cha đòi thì chị phải trả lại.
Chị N. kháng cáo bảo số vàng trên là tài sản chung của cha và người mẹ đã chết nên một nửa số vàng là di sản thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên trả toàn bộ số vàng cho cha là bỏ quên quyền lợi của chị và bốn người con riêng của mẹ chị...
Tại phiên phúc thẩm vừa qua, chị N. tiếp tục yêu cầu tòa hủy án sơ thẩm và tuyên đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện. Phía chị N. lập luận đây là tranh chấp hợp đồng dân sự nên thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ ngày cha biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Đến ngày TAND quận Bình Tân thụ lý giải quyết thì thời hiệu đã quá sáu tháng. Tòa vẫn đưa vụ án ra xử là không đúng pháp luật.
Sau khi xem xét, HĐXX cho rằng chị N. nói cha cho mình số vàng này nhưng không cung cấp được chứng cứ. Ông K. thì không thừa nhận nên tranh chấp này không phải là tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản mà là tranh chấp về quyền sở hữu năm lượng vàng. Theo quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu tòa buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật vào bất kỳ lúc nào. Thế nên đây không thuộc trường hợp hết thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, xét số vàng là tài sản phát sinh trong thời gian vợ chồng ông K. sống chung, nay người vợ đã mất nhưng TAND quận Bình Tân không đưa bốn người con riêng của vợ ông K. vào tham gia vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng. Do vậy, tòa tuyên hủy án đưa về cấp sơ thẩm xét xử lại.
Tặng cho nhà, sổ tiết kiệm... thì phải công chứng Trong vụ án, có một vấn đề pháp lý đáng lưu ý đó là khi nào thì hợp đồng tặng cho tài sản phải được đưa ra công chứng. Theo quy định, các tài sản đã xác định quyền sở hữu như sổ tiết kiệm, các chứng chỉ tiền gửi, nhà cửa… thì phải làm hợp đồng tặng cho (có công chứng) để chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng. Tài sản chưa xác định quyền sở hữu, chỉ là vật trung gian nhằm lưu thông trao đổi như tiền, vàng… thì không cần hợp đồng tặng cho có công chứng. Trường hợp này chỉ cần hợp đồng miệng, nếu xảy ra tranh chấp thì cần nhân chứng và các chứng cứ khác... để xác định nó thuộc về ai. Vụ án trên người cha chỉ tranh chấp về số vàng cho mượn chứ không phải tranh chấp về tặng cho sổ tiết kiệm nên không cần phải xét đến hợp đồng tặng cho đã được công chứng như lời người cha trình bày tại tòa... Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM |
PHƯƠNG LOAN