Chương trình làm việc của Quốc hội chiều 28-5 tập trung vào “quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018”. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tóm tắt.
Vẫn còn chi tiêu sai chế độ
Ông Dũng cho hay: Tổng số thu NSNN năm 2018 trên 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 8,5% (hơn 112.000 tỉ đồng). Khoản này chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.
Tổng số chi năm 2018 đạt trên 1,5 triệu tỉ đồng; mức bội chi là 204.000 tỉ đồng, (tương đương 3,7% GDP). Trong đó, số quyết toán là trên 1,4 triệu tỉ đồng, bằng 94,2% so với dự toán. Một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN.
Bộ trưởng Dũng nói nhiệm vụ chi NSNN năm 2018 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp… Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỉ đồng. Kho bạc Nhà nước cũng phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỉ đồng. Cạnh đó, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (trái) và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại phiên họp chiều 28-5. Ảnh: Quochoi.vn
Kiến nghị thay thế 198 văn bản để tránh thất thoát, lãng phí
Cả Tổng KTNN Hồ Đức Phớc và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi trình bày báo cáo kiểm toán và báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN của Chính phủ đều chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm.
KTNN cho rằng qua 268 báo cáo từ 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 82.000 tỉ đồng. Từ đó, KTNN chuyển bốn vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra, hai vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Đáng chú ý, KTNN cho hay tỉ lệ huy động vào NSNN đạt 26% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính năm năm 2016-2020 (23,5% GDP). Song cơ cấu thu NSNN chuyển dịch chậm. Chẳng hạn, tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt hơn 19% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là khoảng 21% GDP.
Theo KTNN, chi NSNN cũng có nhiều tồn tại, chẳng hạn như vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm. Cùng đó là phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định…
KTNN cũng chỉ ra nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... “Qua kiểm toán 2.013 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỉ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này” - báo cáo KTNN nêu.
Chi trả nợ lãi trên 112.000 tỉ đồng Quyết toán chi ngân sách trung ương năm 2018 là trên 572.000 tỉ đồng, thấp hơn 4,8% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là trên 862.000 tỉ đồng, thấp hơn 6,4% so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển dự toán trên 401.000 tỉ đồng, quyết toán trên 393.000 tỉ đồng; chi trả nợ lãi trên 112.000 tỉ đồng, quyết toán trên 106.000 tỉ đồng. Chi phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính: Dự toán trên 974.000 tỉ đồng và quyết toán trên 974.000 tỉ đồng. |
Chi thường xuyên vẫn chiếm 65% tổng chi ngân sách nhà nước
Còn Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ ra việc vượt dự toán thu lớn cho thấy sự cố gắng của Chính phủ, song cũng cho thấy chất lượng dự báo, xây dựng dự toán chưa cao.
Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục. “Chính phủ cần làm rõ thực trạng nêu trên và có thêm các giải pháp đồng bộ... và cần quyết liệt hơn trong công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế” - báo cáo thẩm tra nói.
Về chi NSNN, đáng chú ý là Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán như chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi sự nghiệp y tế; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ… “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục” - báo cáo nêu.
Các vấn đề về giải ngân vốn đầu tư; sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên… báo cáo thẩm tra cũng nói chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra. Chẳng hạn như chi thường xuyên năm 2018 vẫn chiếm 65% tổng chi NSNN, cao hơn mục tiêu kế hoạch tài chính năm năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các vấn đề về bội chi ngân sách, nợ công cũng được “soi kỹ” cho thấy còn nhiều dư địa để cải cách nếu Chính phủ làm tốt.
Đặc biệt, báo cáo thẩm tra cho hay hồ sơ quyết toán NSNN năm 2018 chưa có báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2017. Thậm chí, báo cáo còn nêu: “Tồn tại này đã xảy ra nhiều năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc nhở, phê bình song Chính phủ chưa chỉ đạo kiên quyết để khắc phục”.
Từ đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ khắc phục những thiếu sót và không để xảy ra tình trạng ấy trong các năm sau.
Ủy ban này cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định: Phân bổ chi tiết cho 33 bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại 5.370 tỉ đồng và cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo quy định. Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ Tài chính trên 1.991 tỉ đồng.
Các khoản quyết toán NSNN 2018 Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với KTNN và Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018: - Tổng số thu cân đối NSNN là trên 1,88 triệu tỉ đồng. - Tổng số chi cân đối NSNN là trên 1,869 triệu tỉ đồng. - Bội chi NSNN là trên 153.000 tỉ đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương). - Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: Vay trong nước trên 110.689 tỉ đồng; vay ngoài nước trên 42.000 tỉ đồng. - Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là trên 285.000 tỉ đồng. |