Lùi sửa Luật đất đai, chờ Quốc hội khoá sau xem xét

Chiều 10-6, với 94,82% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đó, đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình làm luật năm 2020, chờ Quốc hội khoá tới xem xét.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết một số ý kiến tán thành đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020 nhưng đề nghị đưa vào Chương trình năm 2021 để sớm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc, bất cập.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.

Ông Tùng cho hay việc sửa Luật Đất đai đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình năm 2019, sau đó được điều chỉnh sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020).

Việc này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Chính phủ đã chỉ đạo và thành lập Ban soạn thảo do Bộ TN&MT chủ trì. Ban soạn thảo đã tiến hành tổng kết và xây dựng dự thảo Luật.

Ông Tùng nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian tổng kết kỹ lưỡng, toàn diện, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách, bảo đảm khoa học, thận trọng, có căn cứ lý luận, thực tiễn.

Cũng theo ông Tùng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ thông qua các văn kiện quan trọng mang tính định hướng chiến lược toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có các chính sách mới về đất đai.

“Do đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội trước mắt cho rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình” – ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, toàn diện thực tiễn, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai.

Việc sửa luật cần có hình thức thích hợp lấy ý kiến nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập. Đồng thời bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương.

Cùng đó là xây dựng hồ sơ dự án luật bảo đảm chất lượng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2021, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021) như ý kiến của các ĐBQH.

Đối với đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung đề xuất về bản chất là sửa đổi Luật Đất đai.

Việc ban hành Nghị quyết này có tác động đến đời sống kinh tế - xã hội tương tự như việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Do đó, tại thời điểm hiện nay, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung Nghị quyết này vào Chương trình năm 2020 để tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

- Bổ sung năm dự án luật và pháp lệnh gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi);

- Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021).

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

- Kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2021), Quốc hội sẽ thông qua bốn dự luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

- Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV (tháng 7-2021), Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

- Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021), Quốc hội sẽ cho ý kiến sáu dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm