Ngành Nội vụ: Vượt mục tiêu được giao về tinh giản biên chế

Sáng 30-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ.

Thứ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đồng thời hoàn thành vượt mục tiêu Bộ Chính trị giao về tinh giản biên chế.

5 năm, tinh giản hơn 67 nghìn người

Theo bà Trà, bộ máy tại các bộ ngành Trung ương giảm 12 vụ và tương đương; Cục và tương đương tăng 7 tổ chức; Tổng cục và tương đương tăng 2 tổ chức.

địa phương, các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) giảm 5 tổ chức; giảm hơn 973 phòng, 127 chi cục; phòng thuộc chi cục giảm 1.179. Tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh giảm 12. 

Trong khi đó, cấp huyện giảm 294 cơ quan chuyên môn, trong đó có 278 phòng Dân tộc.

Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành giảm 10 tổ chức; thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục tăng 6 tổ chức; thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ giảm 24 tổ chức. 

Ở địa phương, số đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 3.800 đơn vị (7,33%).

Cũng theo bà Trà, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là hơn 247.300 biên chế, giảm hơn 27.500 biên chế (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.

Về biên chế sự nghiệp, năm 2021 là gần 1,8 triệu người, giảm gần 243 nghìn biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.

Cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay là hơn 1,03 triệu người, giảm hơn 147.000 người (tương ứng 12,49% so với năm 2015).

Trong giai đoạn năm 2015 – 2020, cả nước đã tinh giản được hơn  67.200 người, gồm gần 5.000 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và hơn 62.200 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương.

Trong số này, gần 55 nghìn người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, gần 12.200 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác.

“Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao, đảm bảo yêu cầu theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian và từng bước khắc phục những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vượt mục tiêu đề ra”- Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

5 Bộ có số thứ trưởng vượt quy định

Về số lượng cấp phó, theo quy định, số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6). Trường hợp do sáp nhập Bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Cụ thể, về số thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại thời điểm ngày 10-10, có 1 bộ có 3 Thứ trưởng (ít hơn 2) là Bộ TT&TT; 6 bộ, ngành có 4 Thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1) gồm: KH&ĐT; LĐ-TB&XH; Y tế; VH-TT&DL; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.

9 bộ, ngành có 5 thứ trưởng và tương đương (bằng số quy định) gồm: Tài chính; Tư pháp; Công Thương; KH&CN; TN&MT; GTVT, Xây dựng; GD&ĐT; Thanh tra Chính phủ.

4 Bộ có 6 Thứ trưởng là Ngoại giao (bằng số quy định); Nội vụ (vượt 1); NN&PTNT (vượt 1); Văn phòng Chính phủ (vượt 1). Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mỗi bộ có 9 Thứ trưởng (vượt 3).

Như vậy có 5 bộ có số lượng thứ trưởng nhiều hơn so với quy định gồm: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ. Số cấp phó vượt chủ yếu do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu của công tác cán bộ như thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo từ địa phương về Trung ương. 

Đối với các cơ quan bên trong bộ, ngành (không bao gồm Bộ Quốc phòng và Công an), theo quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4. 

Tính đến thời điểm 31-12-2019, số lượng phó tổng cục trưởng và tương đương bình quân là 2,8; số lượng phó cục trưởng và tương đương bình quân là 2,9; số lượng phó vụ trưởng và tương đương bình quân là 2,5. 

Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Kết quả, có 14 cơ quan Trung ương thực hiện thí điểm tổ chức thi tuyển với 30 vị trí và 22 địa phương thực hiện thí điểm thi tuyển, với 109 vị trí. 

Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương và tiến hành tổng kết vào Quý IV -2022. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm