Chiều 28-10, Quốc hội (QH) nghe giải trình và thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật.
Thu hẹp diện đối tượng bị hoãn xuất cảnh
Theo ông Võ Trọng Việt, nhiều ý kiến đề nghị dự luật cần đảm bảo tính thống nhất với pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng hành chính… trong việc tạm hoãn xuất cảnh.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu (ĐB) QH, Ủy ban Thường vụ QH đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật. Đồng thời, thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh cho sát với thực tiễn. Đặc biệt là quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…
Thảo luận về dự luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa
(TP.HCM) nói: Luật này đụng đến quyền tự do xuất nhập cảnh, là quyền con người đã được hiến định và quy định trong nhiều công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là một trong những quyền rất thiêng liêng của con người.
Do vậy, ông cho rằng việc tạm hoãn xuất nhập cảnh rất nhạy cảm, rất liên quan đến nhiều thứ. “Công dân đi sinh nhật con cái, cha mẹ, dự lễ tốt nghiệp con, chữa bệnh, làm ăn ký kết hợp đồng và các trường hợp khác khi tạm hoãn xuất nhập cảnh rất nhạy cảm… Xuất cảnh không chỉ là thước đo với Việt Nam mà còn là thước đo cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam trong quá trình hội nhập” - ĐB Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu ngày 28-10 về quy định hoãn xuất cảnh. Ảnh: C.LUẬN
Đề xuất khởi kiện khi bị hoãn xuất cảnh sai
ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu: Dự luật quy định là “có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ” thì bị hoãn xuất cảnh. “Căn cứ này do ai xác định, nếu sai thì sao? Nếu sai thì công dân có quyền khởi kiện hành chính hoặc tư pháp tương đương với quyết định đã ban hành không? Nếu là quyết định tư pháp thì công dân có quyền khởi kiện, phản đối nếu quyết định đó sai bằng một hành vi tư pháp nào? Dự luật không nói rõ” - ĐB Nghĩa nói và đề nghị thiết kế lại những quy định về tố tụng để công dân có quyền khởi kiện chứ không chỉ có khiếu nại, tố cáo.
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua. Luật cũng nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trách nhiệm bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn cho công dân và những hoạt động công vụ khác, đảm bảo thân phận về ngoại giao và phục vụ cho việc đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM |
Theo ĐB Nghĩa, dự luật nói là người phải thi hành án dân sự mà bị hoãn xuất cảnh thì rất rộng và đề nghị phải nói là “người vi phạm các nghĩa vụ và việc xuất cảnh của họ gây ảnh hưởng xấu đến việc giải quyết quyền lợi của Nhà nước và công dân khác”.
“Ví dụ, có người nợ 15 tỉ đồng nhưng được tòa tuyên hoặc thỏa thuận trả trong năm năm. Họ có nghĩa vụ thi hành án dân sự thì trong thời gian đó sao có thể tạm hoãn xuất cảnh cho họ được” - ĐB Nghĩa nêu ví dụ và đề nghị thêm một lần nữa phải bổ sung quyền khởi kiện cho công dân khi bị hoãn xuất cảnh sai.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đồng tình và nói cần cụ thể hóa các tiêu chí của việc tạm hoãn xuất cảnh để áp dụng trong thực tiễn không bị lúng túng. Chẳng hạn phải xem lại những trường hợp tạm hoãn xuất nhập cảnh của luật này có phù hợp với luật tố tụng dân sự hay không, vì luật tố tụng dân sự chỉ quy định cấm xuất nhập cảnh, không quy định tạm hoãn xuất nhập cảnh.
Theo ông Tạo, nếu trường hợp không làm thủ tục xuất nhập cảnh đối với người có hành vi bị nước ngoài cho rằng vi phạm pháp luật nước đó, bị bắt giữ một thời gian và trả về cho Việt Nam. “Những đối tượng này được nhập cảnh theo điều khoản nào của luật này, vì họ không có giấy tờ xuất cảnh. Ví dụ, số ngư dân Việt Nam hành nghề, vi phạm ngư trường nước ngoài bị nước đó bắt rồi trả về” - ĐB Tạo nêu ví dụ và đề nghị bổ sung quy định về nhập cảnh cho những trường hợp này.
Nam từ 18 đến 45 có thể tham gia dân quân tự vệ Cùng ngày, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Một trong những nội dung được ĐBQH quan tâm là độ tuổi và thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ của công dân. Theo dự luật, thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình đối với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi. Nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Tán thành với quy định này, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) nói: “Thực tế biên chế cán bộ, công chức, người lao động hiện nay tại các cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương để duy trì có một tiểu đội tự vệ trong thời gian dài cũng khá khó khăn. Do đó, quy định kéo dài thêm như vậy cũng là tạo điều kiện để cho các cơ quan khắc phục khó khăn về con người trong việc tổ chức lực lượng tự vệ”. Còn ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) thì đề nghị nên quy định cứng về độ tuổi tham gia dân quân tự vệ tại cơ quan, đơn vị có tính ổn định về nhân sự chứ không nên quy định tùy nghi. ĐB Hạnh cũng đề nghị có quy định phù hợp để tận dụng được lực lượng có chuyên môn cao ở các lĩnh vực như phòng không, công binh, y tế… tham gia vào dân quân tự vệ. T.PHÚ |