Phó Thủ tướng đề nghị báo cáo việc lập bản đồ cảnh báo sạt lở

Sáng nay, 2-11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10. Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các đơn vị báo cáo rõ về việc lập bản đồ sạt lở đất đang được thực hiện đến đâu, đã làm được những gì?

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VŨ SINH

Miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ đã có bản đồ cảnh báo sạt lở

Báo cáo Phó Thủ tướng, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong đợt thiên tai vừa rồi sạt lở đất diễn ra rất phức tạp.

"Kinh nghiệm thế giới về những vùng có địa chất tương tự nước ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đều có vùng địa lý núi cao, sườn dốc, mưa tập trung, các quốc gia nói trên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng" - ông Thành cho biết.

Về kinh nghiệm quốc tế, ông Thành cho biết muốn cảnh báo được sạt lở đất phải làm hết sức công phu, bài bản. Vì cái gì chúng ta nhìn thấy được thì chúng ta dễ phòng tránh, còn ở dưới đất thì chúng ta không nhìn thấy được. Do đó phải dựa vào các nghiên cứu đánh giá về địa hình, địa mạo, địa chất để từ đó nghiên cứu ra bản đồ nguy cơ sạt lở.

"Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện, hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Tuy nhiên khi mưa lũ xảy ra, sạt lở ở chỗ nào thì điều này khó có thể nói trước. Việc cần làm tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể” - ông Thành nói.

Dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông cho biết đây là một quốc gia có công nghệ cao về phòng chống thiên tai, năm 2017 cũng đã xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng, gây ra thiệt hại rất lớn. Ở Đài Loan, Hàn Quốc, hàng năm cũng xảy ra sạt lở đất. 

Ông cho biết, hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ nước ta đã làm bản đồ này. Năm 2019-2020 theo kế hoạch sẽ tiếp tục làm ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bản đồ được làm đến tỷ lệ 1/50.000. Tuy nhiên bản đồ này cảnh báo nguy cơ trên diện rộng dựa trên địa mạo, địa chất, còn lại tùy thuộc các điều kiện cụ thể tại hiện trường như kích hoạt các công trình, đường xá, các yếu tố dân sinh khác nữa, cộng với lượng mưa rơi xuống nữa mới ra được các điểm sạt lở.

Theo ông Thành, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực cảm thấy rằng có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, tập trung cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn.

"Hiện nay chúng ta đã cảnh báo đến huyện rồi, bây giờ sẽ cố gắng cảnh báo đến xã" - ông Thành nhấn mạnh.

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có bản đồ về các khu vực sạt lở đất. Trong bản đồ này, các điểm sạt lở đã xảy ra đều đã được đánh dấu cảnh báo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VŨ SINH

Không vì bão giảm cấp mà chủ quan

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tuyệt đối không được vì thấy bão nhỏ mà chủ quan. Bởi bão số 10 tuy đã giảm cấp nhưng diễn biến còn rất phức tạp vì bão chịu chi phối của các hình thái khác.

Ông Cường yêu cầu phải tăng cường công tác dự báo liên tục, cảnh báo sát tình hình mưa để người dân chủ động phòng tránh. Đồng thời đề phòng sự cố hồ nhỏ, hồ xuống cấp, hồ rất yếu. Song song với công tác ứng phó bão số 10 thì tiếp tục khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, bão.

Phát biểu kết luận chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu cơ quan dự báo, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến của báo để kịp thời thay đổi các phương án ứng phó.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ, ngành liên quan tập trung rà soát tàu thuyền trên biển, hướng dẫn, đưa vào nơi trú tránh an toàn. Đặc biệt rút kinh nghiệm các tàu bị sự cố không kịp thoát khỏi vùng nguy hiểm trong bão số 9 vừa qua.

"Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung sơ tán người dân khỏi khỏi lồng bè, chòi canh khu nuôi trồng thủy sản trên biển. Đảm bảo an toàn cho 5 tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực hai tàu bị đắm. Theo dõi chặt chẽ cơn bão khi đổ bộ vào bờ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ. Đồng thời tiếp tục khắc phục sự cố vừa rồi xảy ra đối với các công trình nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân. Tập trung lực lượng, sẵn sàng phương châm bốn tại chỗ để kịp thời triển khai các công tác ứng phó… 

Siêu bão Goni giảm tới 9 cấp
Siêu bão Goni giảm tới 9 cấp
(PLO)- Dự kiến ngày 5-11, bão số 10 (tên quốc tế là Goni) sẽ tác động vào khu vực đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên nhưng khi vào đất liền, bão chỉ còn ở cấp 7-8, thậm chí áp thấp nhiệt đới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm