Tại hai phường thuộc diện sáp nhập của quận 4 là phường 5 và phường 12, nhiều người dân cho biết đã nghe thông tin này qua báo, đài và không khỏi băn khoăn, lo lắng khi tới đây sẽ phải đi làm lại, làm mới các giấy tờ về hộ tịch, hộ khẩu, nhà, đất...
Ông Đức (ngụ phường 5, quận 4) nói: “Tôi thấy chắc sẽ rất khó để làm vì bao nhiêu con người sống ở hai phường giờ nhập lại, phải đi làm lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến cá nhân và gia đình thì sẽ rất mất thời gian, công sức. Việc sáp nhập sẽ mang lại điều tốt hơn nên tôi hoan nghênh nhưng TP cũng cần có cách làm sao để người dân chúng tôi không phải thấy nặng nhọc khi đi làm lại giấy tờ”.
Ông Đức kể mỗi khi đụng đến thủ tục, giấy tờ đã thấy nhiều thứ rắc rối vì phải đi tới đi lui nhiều lần. Vậy nên bây giờ nghĩ đến cảnh mỗi thành viên trong nhà phải làm lại hết số giấy tờ liên quan, rồi khai báo theo địa chỉ mới, làm khai sinh mới… thôi cũng đã thấy mệt. “Mong chính quyền tính toán sao cho hợp lý ở điểm này để không phải mất công sức, thời gian của người dân” - ông Đức nói thêm.
Vợ chồng ông Hùng (ngụ phường 12, quận 4) cũng bày tỏ mối bận tâm của mình về vấn đề giấy tờ sau khi sáp nhập phường. “Chính quyền cần tính toán làm sao để không xảy ra tình trạng giấy tờ cũ bị chồng lấn với giấy tờ mới. Đơn giản như vừa rồi tôi đã làm lại căn cước công dân, đến lúc đi làm giao dịch khác như mua bán xe, nhà, đất thì có nơi lại yêu cầu tôi phải trình giấy xác nhận về số (sêri) chứng minh nhân dân (CMND) cũ để đối chiếu với số CMND ghi trên cà vẹt hoặc sổ nhà, đất... Chưa hết, tờ giấy xác nhận số CMND và số thẻ căn cước, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị sáu tháng. Tới đây, việc sáp nhập các phường sẽ diễn ra trong bao lâu? Trong thời gian chuyển giao phường cũ, mới thì các loại giấy tờ được sử dụng hoặc được xác thực, chứng thực như thế nào…” - ông Hùng nói.
Về vấn đề làm lại giấy tờ theo phường mới, bà Năm ngụ phường 12, quận 4 cho hay bà không thấy phiền hay lo ngại gì về việc này. “Tôi nghĩ đó không phải là vấn đề vì hiện nay chính quyền cũng đã trở nên hiện đại hơn, họ áp dụng công nghệ để giải quyết thủ tục nên chắc sẽ không quá khó khăn. Điều tôi quan tâm thật sự là lộ trình của việc sáp nhập như thế nào? Khi nào thực hiện, mất bao lâu để hoàn thành? Toàn bộ số giấy tờ, thủ tục liên quan mà người dân chúng tôi phải làm lại có những quy định nào cụ thể, cả về mặt thời gian. Làm sao để người dân có thể nhận lại được giấy tờ trong thời gian sớm nhất, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong đời sống hằng ngày khi cần đến giấy tờ cá nhân” - bà Năm bày tỏ.
Ở quận Phú Nhuận, bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ phường 14, quận Phú Nhuận) cho hay bản thân đã nghe vấn đề này từ lâu. “Hai phường gần nhau thì sáp nhập lại cũng được. Đường Huỳnh Văn Bánh nhà tôi nhỏ hẹp mà bên này phường 14, bên kia phường 13 thì cũng lằng nhằng. Nhập lại có khi tiện hơn cho Nhà nước trong việc quản lý. Nhưng thay đổi địa giới hành chính, tên phường thì chắc giấy tờ nhà, giấy tờ đi học của con cũng thay đổi. Bình thường làm sai giấy tờ một tí thôi đi sửa đã mệt rồi. Nếu thay đổi địa chỉ thì mong phường hỗ trợ dân làm cho nhanh gọn, đừng để dân “bơi” trong biển giấy tờ, thủ tục hành chính là được” - bà Hòa nói.
Cạnh đó, nhiều hộ dân có nhà trên các trục đường liên phường, đường giáp ranh, trước khác số, khác phường, tới đây sẽ có số phường mới thì số nhà, số phường sẽ “đánh” trên các loại giấy tờ, bảng số nhà ra sao? “Không biết khi phường tôi sáp nhập thì quy trình, thời gian làm lại, đổi các loại giấy tờ đó ra sao? Vì chính quyền làm chậm thì việc mua bán, cho thuê nhà, xe của dân sẽ bị… tắc ngay!” - ông Huy ở phường 14, quận Phú Nhuận nêu ý kiến.