Tái lập mặt đường sao cho ổn thỏa?

Một số tuyến đường được tái lập khá tốt như Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ... cũng nhanh chóng xuất hiện ổ gà hay vết nứt ở lằn phui.

Nhà thầu: Cùng phối hợp sẽ tốt hơn

Để khắc phục tình trạng trên, một số nhà thầu thi công dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa đề nghị phối hợp với Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) cùng tái lập một lần toàn bộ mặt đường. Theo các nhà thầu, đây là cách tốt nhất để đảm bảo mỹ quan và chất lượng mặt đường.

Ông Phạm Thế Vinh, Giám đốc điều hành gói thầu 12B2 thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1, cho biết: “Thường khi rào đường để đào, phần đường còn lại nhanh chóng xuống cấp do áp lực xe cộ. Lúc đó, Khu 1 cho phủ một lớp nhựa đường cao hơn mặt đường hiện hữu vài phân. Đến khi tái lập lần hai, nhà thầu cũng phải làm cao như phần đường do Khu 1 làm nên kinh phí bị đội lên đáng kể.

Còn nếu không làm cao bằng thì chỉ một thời gian ngắn đoạn đường sẽ xuống cấp do nước tù đọng. Do đó, nếu Khu 1 phối hợp với đơn vị thi công cùng tái lập toàn bộ thì chắc chắn mặt đường sẽ đẹp và chất lượng hơn hiện nay”. Theo ông Vinh, chi phí tái lập bên trong lằn phui do nhà thầu chịu, còn bên ngoài thì Khu 1 sử dụng nguồn ngân sách TP.

Tái lập mặt đường sao cho ổn thỏa? ảnh 1

Một đoạn đường da beo ở TP.HCM. Ảnh: V.THUẬT

Trong khi đó, một cán bộ điều hành của liên danh nhà thầu VIC đang thi công gói thầu 13B2 cũng đề nghị hai bên cùng phối hợp nhưng theo hướng nhà thầu sẽ thi công toàn bộ. Vị này cho biết thêm, công ty ông đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn giám sát CDM trình TP xin ngân sách để tái lập luôn cả mặt đường bên ngoài phui đào.

Cơ quan chức năng: Khó!

Ông Phan Châu Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho rằng việc đề nghị TP rót ngân sách để nhà thầu tái lập luôn phần mặt đường ngoài phui đào không khả thi. Theo ông Thuận, ngân sách TP dành cho việc duy tu mặt đường chỉ rót xuống Khu 1 vì đây là đơn vị quản lý hành chính nhà nước. Sau khi nhận được kinh phí, nhà thầu riêng của Khu 1 sẽ tái lập mặt đường. Vì thế, cách hay nhất là hai bên sẽ thi công cùng lúc, “ai làm việc nấy”.

Tuy nhiên, Trưởng phân ban dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé Đặng Ngọc Hồi cho rằng ý kiến của ông Thuận khó thực hiện được. “Nếu phối hợp, Khu 1 phải tuân theo các trình tự thủ tục: lập dự án, trình duyệt, báo giá, đấu thầu, bỏ thầu..., rất mất thời gian. Trong khi đó, công trường cần thảm nhựa ngay sau khi thi công xong để đảm bảo giao thông. Vì thế, cách tốt nhất là sau khi nhà thầu tái lập xong, Khu 1 thảm một lớp nhựa mịn phủ luôn cả mặt đường” - ông Hồi phân tích.

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu 1, cho biết Khu 1 đã có kế hoạch thảm nhựa toàn bộ mặt đường những tuyến bị đào. “Sau sáu tháng đến một năm, khi phần tái lập của nhà thầu đã ổn định, chúng tôi sẽ cho thảm lại nhựa toàn bộ mặt đường. Khu 1 đã áp dụng tại đường Lê Thánh Tôn và thu được kết quả rất tốt” - ông Thắng nói. Về đề nghị của các nhà thầu, ông Thắng nhìn nhận cái khó của việc phối hợp là tốn thời gian giải quyết thủ tục và cần có nguồn vốn thường trực. Thẩm quyền giải quyết vấn đề này thuộc về UBND TP và Sở Giao thông Vận tải.

VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm