Thủ tướng, các Bộ trưởng nói về lý do sạt lở ở miền Trung

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ rõ nguyên nhân sạt lở đất tại miền Trung thời gian qua…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa trực tiếp vào các tỉnh trọng điểm ảnh hưởng bão lũ vừa qua và thấy rằng thiệt hại rất lớn, chưa bao giờ nước ta bị thiên tai dồn dập như thế. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: quochoi.vn

"Vì sao sạt lở đất nhiều như thế? Tôi xin nói, cái chính là kết cấu địa chất ở khu vực này đất sét là chính mà mưa trên 1.000mm nửa thàng thì nhão. Khi tôi còn công tác ở Quảng Nam đã từng có đợt mưa như vậy, người chết không ít, lúc đó rừng già còn nhiều nhưng mưa thối đất thì không có kết cấu nào chịu được” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, qua khảo sát cho thấy những khu vực bị sạt lở đất thời gian qua vẫn còn 80-90% thảm thực vật bao phủ. Mặt khác, khu vực sạt lở tại Trà Leng (Quảng Nam) không có thuỷ điện nào, tại Hướng Hoá (Quảng Trị) nơi 23 chiến sỹ bị vùi lấp thì cũng cách khu vực núi 1,6 km, tại Rào Trăng 3 khu vực sạt lở cách núi từ 200-300 m…

“Cách đây 7-8 năm ở Lào Cai cũng xuất hiện lũ lớn, mưa với cường độ 2.000 mm trong vài ngày. Mưa như vậy thì hòn đá to mái nhà cũng trôi hết. Tác hại của thiên nhiên rất lớn. Ta cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là tăng trưởng xanh tốt hơn, hạn chế thuỷ điện tốt hơn nữa để không lấy rừng, đất rừng” - Thủ tướng nói.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà đã lý giải thếm về vấn đề sạt lở trong thời gian vừa qua tại miền Trung. “Nguyên nhân kích hoạt sạt lở ở miền Trung chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình sạt lở” - ông nói. 

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: TP

Bộ trưởng cũng cho biết ngoài nguyên nhân trên thì khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dày, giàu vật chất sét), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều.

Các hoạt động nhân sinh (xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác...), cả quy hoạch lẫn tự phát, trong nhiều trường hợp tạo taluy, làm mất chân sườn dốc, làm mất ổn định sườn dốc..., cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra sạt lở hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

Ông Hà cho biết: Thời gian tới với những dạng tai biến thiên tai cực đoan như vậy cần đánh giá kỹ hơn địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội để có thể đối phó và có giải pháp phòng ngừa.

Sạt lở có phải do thuỷ điện?

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định sạt lở đất, lũ lụt thời gian qua không phải do vấn đề thuỷ điện. Vì thực tế tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ. Hơn nữa, tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng, các Bộ trưởng nói về lý do sạt lở ở miền Trung ảnh 3
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TP

“Có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương, chúng tôi báo cáo, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông” - Bộ trưởng Công thương nói.

Ông cho hay, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, thì tại hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn tại Quảng Nam thời điểm đỉnh lũ (ngày 28-10), lưu lượng nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây. Chính nhờ dung tích Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước cắt lũ đã giúp cắt lũ đến tới 55%, nếu không đỉnh lũ về vào ngày 28-10 là ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu. 

“Chúng ta duy trì kéo dài sang ngày 29 và 30-10 mới xả nước ở mức độ thấp hơn, lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu. Mặc dù vẫn còn có vùng ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, nhưng đây là vấn đề khác mà chúng tôi muốn báo cáo đại biểu” - ông nói. 

Bộ trưởng Công thương cho hay, cả nước hiện có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỉ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Hiện Việt Nam đã có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ.

Đồng thời, các bộ ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Hiện có  401/401 các đập đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập.

Có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chưa. Có 401/401 hồ chưa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm