Thủ tướng: Vì miền Trung, hãy làm việc nhiều hơn nữa

Sáng 30-10, Chính phủ họp phiên thường kỳ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng qua, trong đó nội dung nổi bật là khắc phục hậu quả của bão lũ ở miền Trung.

230 người chết và mất tích do lũ, sạt lở

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết cơn bão số 9 đi quá nhanh với cấp độ rất mạnh nên đã gây hậu quả rất lớn. Đến nay đã có 230 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất và do người dân gặp sự cố trên biển, như hai tàu của Bình Định bị chìm trên biển do chết máy.

Hiện nay các lực lượng đang tập trung, tiếp tục tìm kiếm người mất tích ở Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Nam Trà My do ở xã Trà Leng còn 16 người đang mất tích. Hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trước hết là sửa chữa nhà cửa với hàng chục ngàn ngôi nhà hư hỏng, tốc mái; sửa chữa hệ thống điện, giao thông, công trình trường học, bệnh viện… Cùng đó là tập trung ứng phó với bão lũ, cả cơn bão sắp tới và lũ đang lên ở miền Trung, rà soát tất cả khu vực nguy hiểm để sơ tán dân…

Tuy nhiên, do đặc điểm cơn bão số 9 quá mạnh nên thiệt hại về kinh tế và người là rất lớn. Hai tàu cá của tỉnh Bình Định trên đường di chuyển khỏi vùng nguy hiểm thì gặp nạn, đến nay trong tổng số 26 thuyền viên mới cứu được ba người, còn 23 người vẫn đang mất tích. Hiện đã điều động ba tàu kiểm ngư và ba thủy phi cơ tham gia tìm kiếm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào sáng 30-10. Ảnh: VGP

Nhiều hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, mất mát

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung.

“Hiện nay còn nhiều đồng bào trên biển khơi hay ở núi cao chưa được tìm thấy. Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt các lực lượng, nhất là quân đội dồn sức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ” - Thủ tướng nói.

90.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cùng lực lượng xung kích của sáu tỉnh miền Trung đã được huy động tham gia phòng, chống bão số 9. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết các lực lượng trên đã hướng dẫn 45.000 tàu thuyền cùng 300.000 thuyền viên vào nơi neo đậu an toàn; di dời được 100.000 hộ dân với 400.000 người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm để đến nơi tránh trú bão an toàn. 

Thủ tướng cho biết Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ các tỉnh gặp khó khăn. Ông yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các lực lượng hỗ trợ cần thiết, phát động trong toàn ngành những biện pháp đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường như bảo đảm giao thông, dựng lại nhà cửa, đưa học sinh trở lại trường học.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai sớm tổng hợp, đề xuất Chính phủ những khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề như hỗ trợ về sản xuất, an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm hỗ trợ về lương thực, không để người dân nào thiếu đói. Ngành công thương cần chuẩn bị vật tư, vật liệu xây dựng từ tôn đến ngói, xi măng, tránh tình trạng bị đẩy giá ở những vùng khó khăn.

Thủ tướng cũng nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng. Ông đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ NN&PTNT để hỗ trợ cho các địa phương kịp thời. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề xuất hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà bị sụp đổ là 40 triệu đồng, hư hỏng nặng là 10 triệu đồng.

Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện việc giảm, giãn, hoãn, xóa những khoản nợ theo quy định của pháp luật đối với vùng bị thiệt hại bởi thiên tai. “Việc hỗ trợ để sản xuất cho người dân trở lại bình thường là cái gốc để nhân dân có thu nhập sau bão lũ. Để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam, Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung” - Thủ tướng nói.

Kinh tế đã qua đáy, đang phục hồi và sẽ tăng tốc

Liên quan đến phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế nước ta đã qua đáy và đang phục hồi nhưng do lũ lụt nghiêm trọng nên khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2%-3%. Dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện tiếp tục khôi phục kinh tế.

Lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu phục hồi khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, đạt 18,7 tỉ USD. Giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 10 và 10 tháng đầu năm đạt cao nhất trong năm năm qua.

“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa” - Thủ tướng nói về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, để dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong đó phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh.

Đồng thời, ông cũng đề nghị cần tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5%-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm