TP Thủ Đức: Không thể xem như '3 quận cộng lại'

Sáng 9-10, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 1 gồm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Vũ Hải Quân và Phó Viện trưởng VKS TP.HCM Nguyễn Thanh Sang có buổi tiếp xúc trực tuyến với cử tri TP Thủ Đức trước kì họp thứ hai QH khoá XV.

co-che-dac-thu-tp-thu-duc

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng và cử tri nêu kiến nghị cơ chế đặc thù cho địa phương. Ảnh: LÊ THOA

Tại đây, bên cạnh các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch, một số cử tri đã đặc biệt quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức.

TP Thủ Đức không thể dùng chung cơ chế như các quận, huyện

Cử tri Vũ Văn Thể, phường Tăng Nhơn Phú A, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và TP.HCM nên sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức để có điều kiện thực hiện đúng mục tiêu của đề án xây dựng TP.

Theo cử tri Thể, việc ban hành cơ chế đặc thù cũng như việc phân cấp uỷ quyền cho "TP trong TP" là cơ chế chính sách chung được đề cập đến trong các quy định có liên quan.

“TP Thủ Đức tuy là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng là mô hình TP trong TP. Do đó, để Thủ Đức phát triển theo đúng mục tiêu thì không thể dùng chung một cơ chế như các quận, huyện ở TP.HCM” – cử tri Thể nói và cho rằng đây là nhu cầu khách quan, tất yếu. Vì vừa qua một số cơ chế đã được áp dụng ở TP Thủ Đức có nhiều vấn đề còn chậm khi đi vào thực tiễn.

Tương tự, cử tri Nguyễn Hải Triều, phường Thạnh Mỹ Lợi, cũng nêu kiến nghị QH cần ban hành cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để phát huy vai trò của một TP mới. “TP Thủ Đức không thể như là một phép cộng của ba quận 2, 9, Thủ Đức cũ gộp lại được” – cử tri Triều nói và nhìn nhận đây là mong muốn của nhiều người dân.

Trước kiến nghị của cử tri, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng đề nghị tổ ĐBQH đơn vị 1 sẽ quan tâm, phát biểu nhiều hơn về nội dung này tại nghị trường Quốc hội.

“Vì nếu chúng ta tiếp tục duy trì một công thức cũng như vận hành TP Thủ Đức như một chính quyền tương đương cấp huyện thì công tác điều hành thời gian tới sẽ rất khó khăn. Trong đó, quan trọng nhất là không thể đáp ứng kì vọng của nhân dân TP Thủ Đức cũng như nhân dân TP.HCM” – ông Tùng khẳng định.

co-che-dac-thu-tp-thu-duc

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng 1.000 túi an sinh và 2.500 phần quà cho TP Thủ Đức hỗ trợ người dân. Ảnh: LÊ THOA

Chia sẻ với cử tri, ông Hoàng Tùng cũng thông tin: Cơ chế đặc biệt cho TP Thủ Đức đã được lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo xuyên suốt từ trước khi thành lập TP Thủ Đức. Sau khi TP Thủ Đức thành lập thì TP.HCM đã lập tổ công tác riêng và Thành uỷ TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Thành uỷ TP Thủ Đức làm một Nghị quyết riêng có nội dung về cơ chế đặc biệt dành riêng cho phát triển TP Thủ Đức, có đề án phân cấp uỷ quyền, tổ chức bộ máy…

Chủ tịch TP Thủ Đức khẳng định ý kiến của cử tri là đúng. “Chúng ta sáp nhập ba quận lại với quy mô rất lớn, vì vậy cần cơ chế phù hợp để chúng ta tăng tốc, phát triển mạnh mẽ thời gian tới” – ông nói và bày tỏ hy vọng trong năm nay, TP.HCM sẽ ban hành một số nội dung phân cấp uỷ quyền dành cho TP Thủ Đức; đồng thời đề xuất Trung ương một số nội dung vượt thẩm quyền TP.HCM, thậm chí có nội dung cần sửa luật…

Cần nghiên cứu thấu đáo, vận hành thực tiễn trước khi đề xuất

Trả lời cử tri và lãnh đạo TP Thủ Đức về vấn đề này, ĐB Trần Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết trong kì họp tới, QH sẽ bàn và ban hành ba Nghị quyết chuyên đề về cơ chế chính sách đặc thù cho Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Thuế. Còn TP.HCM đã có Nghị quyết về chính sách đặc thù.

co-che-dac-thu-tp-thu-duc

ĐB Trần Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phát biểu với cử tri TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA

Trước đó, Bí thư Thành uỷ TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện nay chính sách đặc thù mà TP.HCM đang dành cho TP Thủ Đức tạm thời đủ vận hành trong thời gian đầu.

“Còn đề xuất ban hành chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức thì cần có nghiên cứu thấu đáo, qua quá trình thực hiện vận hành trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, đủ thấy một cách đầy đủ vướng mắc với các vấn đề cần QH ban hành” – ĐB Tuấn nói.

Theo ĐB Tuấn, việc ban hành Nghị quyết cần suy nghĩ thấu đáo, đề xuất đầy đủ những gì TP cần, tránh ban hành vội vàng thì lúc sửa rất khó. “Trước mắt cần sử dụng tối đa chính sách mà TP.HCM dành cho TP Thủ Đúc, trong thời gian đấy thì tổng kết, rút kinh nghiệm, đề xuất chính sách đặc thù cao hơn ở tầm Trung ương ban hành” – ĐB Tuấn thông tin.

co-che-dac-thu-tp-thu-duc

ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, thông tin với cử tri TP Thủ Đức. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng đã ghi nhận các ý kiến của cử tri về việc này. Ông cho biết TP Thủ Đức có quy mô hơn một triệu dân, nhiều hơn dân số của một số số tỉnh, thành.

“Do vậy nếu chính sách cho TP Thủ Đức đơn giản như cộng ba quận lại thì chưa tạo được môi trường cho TP phát triển” – ĐB Quân nói.

Ông nhìn nhận TP Thủ Đức hiện có đội ngũ lãnh đạo trẻ, từ Bí thư đến Chủ tịch; đây cũng là địa phương đi đầu trong đưa ra phác đồ điều trị bệnh vượt rào, có lộ trình tăng tốc tăng tiêm vaccine, chính sách an sinh hỗ trợ…

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Quốc Tài, phường Phú Hữu, cho rằng khi chuyển sang trạng thái bình thường mới thì cần có nhìn nhận về việc lấy lại lòng tin của người dân.

Cử tri Tài nêu vấn đề cán bộ có vô cảm trước khó khăn của người dân không vì đây cũng là suy thoái tư tưởng chính trị. Bởi thời gian đầu, khi chứng kiến hàng ngàn người dân kéo từng đoàn về quê nhưng lại chưa kịp có biện pháp điều động phương tiện tức khắc để đưa bà con về.

“Ít nhất nên có chuyến xe đò đưa người dân về, chứ một chiếc xe hai bánh mà chở ba người với đủ hành trang đi 500 cây số như vậy rất xót” – cử tri Tài chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm