Sáng 22-3, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2030.
Phát triển thị trường chứng khoán, du lịch
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico, cho rằng khát vọng tăng trưởng dài hạn TP.HCM mặc dù có nhiều thách thức nhưng vẫn có những nguồn lực, động lực để biến thành hiện thực. Đó là phát triển thị trường chứng khoán lên mức 5,8 triệu tỉ đồng, tương đương 252 tỉ USD so với hiện nay; xây dựng TP.HCM là điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực phục vụ mọi đối tượng du khách.
Cùng với đó, theo bà Thảo, TP.HCM cần tập trung chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động. Đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, hàng hải, logistics. Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về công nghệ, kỹ thuật.
Bà Thảo cũng cho rằng TP.HCM cần tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. “Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, nông nghiệp công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp” - bà Thảo nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng biển lên tầm khu vực
Quan tâm đặc biệt đến phát triển cảng biển, ông Park Hyun Bae, Tổng giám đốc Công ty TNHH KCTC Việt Nam, cho rằng TP.HCM nên tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng hóa, trong đó tập trung cho cảng Cát Lái, được mở từ năm 2007 và giờ là cảng lớn nhất ở TP.HCM. Tuy vậy, ông Park Hyun Bae cũng lưu ý TP cần kiểm soát hạ tầng giao thông, bởi mỗi năm lượng hàng hóa thông quan qua cảng Cát Lái tăng 30% nhưng cảng này vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Để giải bài toán này, ông cũng cho rằng cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và cần cải thiện phát triển thêm nhiều cảng biển như cảng Hiệp Phước.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Boris Cohen, Tổng giám đốc MSC Vietnam, cho rằng việc phát triển nhanh chóng các hạ tầng cảng biển sẽ giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hóa không chỉ của Việt Nam mà còn cả khu vực. Vì thế, ông mong muốn cảng Cát Lái tiếp tục được đầu tư, hiện đại hóa.
Ngoài ra, để gia tăng cơ hội tiếp cận hàng hóa, ông Boris Cohen cũng cho rằng TP.HCM cần sớm đầu tư cảng mới trung chuyển ở khu vực Cần Giờ trước năm 2030, không nên đợi theo quy hoạch hiện nay là sau năm 2030 mới thực hiện, điều này để tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển.
Đối với đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng khi trung tâm này thành hình, TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các DN tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
“Trung tâm tài chính quốc tế sẽ lan tỏa sự ảnh hưởng của TP.HCM đối với cả nước. Trung tâm cũng giúp TP.HCM và Việt Nam thu hút các nguồn vốn đầu tư mới để phát triển hạ tầng, tạo ra các chuỗi cung ứng gắn liền dịch vụ tài chính” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.
Đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo TP luôn xác định cộng đồng DN có vai trò và sự đóng góp quan trọng trong sự phát triển của TP và đất nước. Thực tế đã chứng minh các dự án đầu tư vào TP.HCM đều đạt hiệu quả và tăng thêm uy tín cho nhà đầu tư, cho các thương hiệu. “Đầu tư cho TP.HCM cũng chính là đầu tư cho đất nước Việt Nam đang vươn lên trong xây dựng và phát triển” - ông Mãi nói.
Qua các ý kiến góp ý, hiến kế của các nhà đầu tư, Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ sự tin cậy, đồng hành, gắn bó của các tổ chức, các DN và các nhà đầu tư là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển và thành công của kinh tế - xã hội của TP.
“TP.HCM không chỉ tiếp nhận các ý kiến góp ý rất có ý nghĩa mà còn đón nhận cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư về những dự định, đề án tương lai” - ông Mãi nói và khẳng định sau hội nghị, UBND TP sẽ lập các tổ công tác tiếp tục làm việc với các DN về những nội dung cụ thể và mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của TP.
Ba trọng tâm được tập trung góp ý Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng bổn phận của chính quyền TP là làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ được đầu tư vào TP.HCM thực sự là cơ hội, hội đủ ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ghi nhận các ý kiến góp ý của các nhà đầu tư, ông Nên cho biết những góp ý này tập trung vào ba trọng tâm chính là vấn đề thể chế - chính sách, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực. Trong đó, hiện tại thể chế - chính sách như một chiếc áo đã chật đối với sự phát triển của TP.HCM và cần sớm tháo gỡ. Theo ông Nên, chính quyền TP.HCM đã cam kết và DN đã đồng hành, vấn đề quan trọng cần phải có tiêu chí, quy định trách nhiệm, mỗi người làm gì, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng nhau ngồi lại để giải quyết và phải có cơ chế giải quyết như thế nào nhanh nhất. Với những khó khăn, vướng mắc của DN, từng cán bộ công chức của TP.HCM đã và đang nỗ lực tháo gỡ theo hướng: vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ được giải quyết sớm, việc thuộc cấp trên thì tập hợp lại để báo cáo. |