Sáng 30-10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, chương trình hành động số 18 của Thành ủy và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách Chính phủ.
TP.HCM tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Ảnh: L.THOA
Tinh giản gần 2.000 biên chế
Tại hội nghị, báo cáo tổng kết công tác cải cách hành chính của TP.HCM giai đoạn 2011-2020, bà Ngô Thị Hoàng Các, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho biết TP đã đạt được nhiều kết quả về cải cách thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính...
Từ năm 2011-2015, UBND TP đã kiến nghị đơn giản hóa 77 thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung 41 thủ tục, bãi bỏ 18 thủ tục).
Từ năm 2016-2020, TP.HCM thực hiện rà soát đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 44 thủ tục hành chính và liên thông ba nhóm thủ tục.
Trung bình mỗi năm TP.HCM tiếp nhận hơn 16 triệu hồ sơ. Ảnh: LÊ THOA
Đến nay, cơ quan làm đầu mối tiếp nhận phản ánh kiến nghị trên địa bàn TP đã tiếp nhận 507 trường hợp phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về việc cán bộ có hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định và các phản ánh về giải quyết hồ sơ nhà đất.
Cũng trong giai đoạn 2015-2019, các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, xã đã tiếp nhận trên 84 triệu hồ sơ (trung bình hơn 16 triệu hồ sơ/năm). Trong đó, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn mỗi năm đạt từ 97,52% - 99,93% đối với các sở/ban/ngành; 98,16% - 99,92% đối với UBND quận/huyện và 99,97% - 99,99% đối với UBND xã/phường/thị trấn.
Về kết quả cải cách bộ máy hành chính, thực hiện Nghị quyết số 24 và Nghị quyết 18, đến nay số cơ quan chuyên môn TP.HCM đã tăng một (Sở Du lịch), giảm ba chi cục, giảm bảy phòng chuyên môn (so với năm 2010).
Đối với cơ quan hành chính khác, qua sắp xếp đến nay TP có 11 cơ quan, giảm bốn cơ quan. UBND quận/huyện giảm Thanh tra xây dựng, Văn phòng đăng ký đất đai được chuyển về Sở Xây dựng và Sở TN&MT quản lý tập trung thành một đầu mối.
TP.HCM cũng đã thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm, hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.
Thực hiện quản lý biên chế, bà Ngô Thị Hoàng Các cho biết từ 2011-2015, TP.HCM tăng 2.745 biên chế do biến động thành lập mới các tổ chức bộ máy tại các cơ quan trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, TP.HCM đã thực hiện các giải pháp sắp xếp tổ chức bộ máy để giảm biên chế, tự cân đối khi thành lập tổ chức mới để không làm tăng biên chế. Từ đó, TP giao biên chế năm 2020 cho các đơn vị là 10.045 (không tính hợp đồng lao động), giảm 1.928 biên chế so với năm 2015 (12.333 người).
Đồng thời, TP đã giải quyết được 771 trường hợp tinh giản biên chế từ khi thực hiện Nghị định số 108 và 52 cán bộ có tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi.
Không còn cảnh chen lấn, xếp hàng tại bệnh viện
Tham luận tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở này đã triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận/huyện, mô hình bệnh viện TP hỗ trợ toàn diện cho BV quận huyện, …
Từ đó, đã giảm tải tại các BV tuyến cuối, không còn cảnh chen lấn, xếp hàng để chờ đến lượt khám.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tham luận. Ảnh: LÊ THOA
Sở Y tế TP cũng triển khai ứng dụng y tế trực tuyến giúp người dân phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật ở các cơ sở hành nghề. Từ năm 2015 đến nay, TP.HCM có 32 trạm cấp cứu 115 phủ sóng toàn bộ 24 quận/huyện, riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã tiếp nhận hơn 15.000 cuộc gọi.
Ngoài ra, mô hình xe cấp cứu hai bánh đã tranh thủ được thời gian vàng cứu người tại các con hẻm nhỏ…
Về phía Công an TP.HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc cho biết chỉ tính riêng năm 2019, Công an TP đã tiếp nhận và giải quyết gần 1,8 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, đạt hơn 95 điểm về chỉ số cải cách hành chính, đứng thứ 10 trên 63 công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP phát biểu. Ảnh: LÊ THOA
Công an TP cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 12 thủ tục trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Chẳng hạn: Cấp hộ chiếu phổ thông, khai báo tạm trú người nước ngoài, cấp căn cước công dân,… đã giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm áp lực, tăng hiệu suất làm việc của cán bộ chiến sĩ.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA
Trong khi đó, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết quận đã thu thập cơ sở dữ liệu về dân cư, lao động, doanh nghiệp, giáo dục, y tế… để tạo lập kho dữ liệu dùng chung cho đề án Đô thị thông minh.
Đến nay, quận 12 đã thu thông thông tin của hơn 620.000 người, làm sổ liên lạc điện tử với gần 65.000 tài khoản phụ huynh, hơn 65.000 tài khoản học sinh, hơn 540.000 hồ sơ dữ liệu D-Office….
Trong tương tác với người dân, quận 12 đã thiết lập đường dây nóng, facebook, zalo,…. để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh kiến nghị của người dân, đặc biệt là phản ánh về thủ tục hành chính.
Đại diện Chi cục Thuế TP.HCM cho biết đã có gần 250.000 doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng, đạt tỉ lệ 99,99%.
Có hơn 400.000 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử tại cổng thông tin của Tổng cục thế và ngân hàng thương mại.
Dịp này, UBND TP.HCM cũng đã tặng bằng khen cho 104 tập thể và 64 cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020. Trong đó có Sở Tư pháp TP.HCM và lãnh đạo đơn vị này.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND TP, Sở Tư pháp TP đã hoàn thành việc rà soát Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm đảm bảo phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với sở/ngành, quận/huyện rà soát 90 chuyên đề với hơn 10.000 lượt văn bản. Qua đó đã kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu công tác quản lý theo chủ trương của Bộ Tư pháp. |