TP.HCM: Ứng phó tình trạng ngập úng

Tuy nhiên, tình trạng ngập úng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, đời sống cho người dân TP.

Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến tình trạng ngập úng do mưa lớn và thủy triều. Trước khó khăn đó, UBND TP và Sở TN&MT đã tiến hành các cuộc hội thảo, nghiên cứu tìm ra phương pháp khắc phục tình trạng này.

Tình trạng ngập ở TP.HCM

Nguồn nước tại TP.HCM tuy dồi dào nhưng cần phải có sự điều tiết hợp lý từ thượng nguồn. Hệ thống kênh rạch thuận lợi cho giao thông đường thủy nhưng cũng tạo nên chế độ thủy văn - thủy lực phức tạp khi bị tác động từ nhiều nguồn. Thủy triều biên độ cao tuy lợi cho tiêu thoát nhưng do chế độ bán nhật triều với phần lớn thời gian xuất hiện một chân triều cao nên khả năng tiêu thoát kém, mặt đất tự nhiên nhiều nơi chỉ ở cao trình dưới 1,5 m nên thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường. Những năm lũ lớn, dòng lũ từ ĐBSCL cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phần Tây Nam TP.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu về nước biển dâng đã được công bố do Bộ TN&MT (20-8-2009), nếu mực nước biển dâng cao khoảng 75 cm, TP.HCM có khoảng 204 km2 bị ngập (chiếm 10% tổng diện tích) và khi nước biển dâng khoảng 100 cm thì có khoảng 472 km2 diện tích đất bị ngập. Với kịch bản này, mực nước biển tăng cao sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề kinh tế và xã hội, xói lở bờ biển, ảnh hưởng hệ thống cảng biển, gây hư hại các công trình xây dựng, mất dần diện tích canh tác, đất ở; ngập lụt, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hoạt động công nghiệp và sinh hoạt, làm mất sự cân bằng giữa khai thác và tái tạo của nguồn nước dưới đất…

TP.HCM: Ứng phó tình trạng ngập úng ảnh 1

Hiện tượng biến đổi khí hậu kéo theo triều cường gây ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Nâng cao công tác chống ngập

Để giải quyết yêu cầu chống ngập cho TP.HCM, thời gian qua TP đã có nhiều dự án được triển khai thực hiện. Chẳng hạn nghiên cứu hệ thống thoát nước thải và nước mưa của TP.HCM (JICA-1999); dự án đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) và cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hủ-Bến Nghé; dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm; dự án vệ sinh môi trường TP (kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè), kênh Đôi-kênh Tẻ; cải tạo cống thoát nước Hàng Bàng, ngăn triều Bình Triệu, hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi và tiêu thoát nước TP.HCM; quy hoạch thủy lợi chống ngập TP.HCM (Bộ NN&PTNT)...

Theo Tài liệu báo cáo đánh giá mực nước biển, nước sông TP.HCM và vùng phụ cận thời đoạn 2005-2009 của tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng (Sở TN&MT TP.HCM) và Nguyễn Việt Kỳ (ĐH Bách khoa TP.HCM), hiện nay mức độ ngập của TP.HCM xảy ra với tần suất ngày càng tăng và mức độ ngập lụt ngày một cao. Thiệt hại do ngập gây ra ngày càng nhiều, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông. Trong khi đó, các nghiên cứu về ngập lụt ở TP.HCM vẫn còn một số yếu điểm như: xét đến tính tổng thể trong lưu vực còn ít, chưa thấy hết nguyên nhân tiềm ẩn gây ngập; chưa xem xét đầy đủ tốc độ đô thị hóa và hệ quả của nó là nhanh chóng làm giảm vùng chứa nước, giảm khả năng tiêu thoát của hệ thống kênh rạch hiện hữu; giải pháp công trình và phi công trình chưa gắn kết với nhau. Trong đó, việc phân vùng tiêu thoát nước của các nghiên cứu còn có nhiều điểm chưa thống nhất. Thực tế cho thấy các giải pháp chống ngập cho TP.HCM phụ thuộc rất nhiều vào việc phân vùng tiêu thoát nước và tính toán hệ số tiêu nước cho các vùng. Do vậy, cần thiết phải có nghiên cứu sâu hơn về nội dung này làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về giải pháp phòng chống ngập đối với từng khu vực cụ thể.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng tình hình ngập ở TP.HCM hiện nay đang gia tăng nhanh chóng do các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khả năng thoát nước yếu kém của hệ thống tiêu thoát hiện hữu, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, công tác quy hoạch và kiểm tra sau quy hoạch các dự án phát triển đô thị, san lấp mặt bằng, mở đường giao thông chậm không theo kịp yêu cầu phát triển. Tình trạng các dự án khu dân cư, khu công nghiệp và dự án giao thông có hành vi san lấp, lấn chiếm kênh rạch, thu hẹp dòng chảy đang là những nội dung quan trọng nhất cần được xem xét giải quyết sớm.

Đối phó với tình hình đó, TP phải thực hiện các giải pháp cấp bách như cấm tuyệt đối việc san lấp các kênh rạch. Cần phải có các mảng cây xanh hoặc nơi nước mưa có thể hấp thụ. TP nên có các dự án chống lũ, dự án kiểm soát triều, thiết lập hệ thống giám sát giảm thiểu và thích ứng với tình trạng lũ nói riêng và sự thay đổi của khí hậu nói chung.

Theo thống kê, TP.HCM hiện đang tồn tại 105 điểm ngập gồm 47 điểm ngập do mưa, 51 điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường và một số điểm ngập do không có cống. Ở vùng ngoại thành, triều cường đã phá vỡ đê bao làm ngập các vùng sản xuất nông nghiệp…

THANH TRÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm